Lại nói về câu 'Mèo tha miếng thịt xôn xao...'

Thứ ba - 16/04/2024 10:15
 

“Do mặc cảm bị thua thiệt với người, nên phần đông người đời thường có tính khoa trương để chứng tỏ mình cũng như ai, không thua sút một ai trong mọi lãnh vực, kể cả sự giàu nghèo.

Vì thế, mà người nghèo làm ăn được chút gì nên nổi thì cố tìm dịp khoe khoang với mọi người, y như mình giàu có đến ức vạn. Trong khi đó thì anh nhà giàu thì dù có được mùa lúa trúng mùa khoai, họ cũng im re, vì sợ người ngoài vay mượn.

Câu này nghĩa bóng nói đến thân phận của dân ta ngày xưa bị áp bức, bóc lột còn bọn nhà giàu thì ăn trốc ngồi trên.” (hết trích).

Từ điển giải thích như vậy, nhưng tôi thấy trong thực tế người ta lại dùng hai câu này với nghĩa hoàn toàn khác, đó là chỉ dám đấu tranh với kẻ yếu, còn với kẻ mạnh thì dù có bị đè nén thế nào cũng đành cam chịu. Vậy, xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết, hai câu trên là ca dao hay tục ngữ, và cách giải thích trên đây của từ điển có thể được xem là một cách hiểu khác hay không?”.

Trả lời:

Thứ nhất, “Mèo tha miếng thịt xôn xao/Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi”, là câu tục ngữ có hình thức ca dao, chứ không phải ca dao theo đúng nghĩa.

Thứ hai, cách giải thích của “Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao Việt Nam” vừa tiền hậu bất nhất, vừa thiếu cơ sở.

Ở đoạn đầu, tác giả cho rằng ý dân gian muốn nói “người nghèo làm ăn được chút gì nên nổi thì cố tìm dịp khoe khoang với mọi người, y như mình giàu có đến ức vạn. Trong khi đó thì anh nhà giàu thì dù có được mùa lúa trúng mùa khoai, họ cũng im re, vì sợ người ngoài vay mượn”, nhưng ngay sau đó lại đi đến kết luận “Câu này nghĩa bóng nói đến thân phận của dân ta ngày xưa bị áp bức, bóc lột còn bọn nhà giàu thì ăn trốc ngồi trên”.

Có lẽ tác giả Việt Chương suy diễn: con mèo kiếm được miếng thịt thì kêu lên ngoao ngoao (“xôn xao”) tỏ ý khoe khoang, trong khi con hổ bắt được cả con lợn thì lại im lặng (“nào thấy chi”). Tuy nhiên trong thực tế, khi hổ vồ mồi nó cũng gầm vang để thị uy, và khi ăn thì hổ cũng vừa táp vừa gầm gừ để đe dọa tất cả những con vật nào dám tới tranh miếng mồi của nó, chứ đâu có “im re”? Mặc khác, nếu hiểu theo cách của Việt Chương, thì dị bản “Mèo tha miếng thịt thì đòi/Hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng”, sẽ được giải thích như thế nào?

Trong bài “Mèo theo, hay mèo tha” đăng trên chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa”, chúng tôi đã viết như sau:

“... Trong câu “Mèo tha miếng thịt xôn xao/Cọp tha con lợn ai nào thấy chi”, các sự vật, sự việc được hình thành theo từng cặp đối lập: mèo hổ; miếng thịt <-----> con lợn; xôn xao <-----> nào thấy chi. Trong đó, dân gian đem “miếng thịt” so với “con lợn” [...] Vì sao vậy? Vì “miếng” và “con” đều là những đơn vị tính: “miếng” = ít ỏi, nhỏ lẻ; “con” = to lớn, nguyên cả. Con mèo tha có mỗi “miếng thịt”, mà làm “xôn xao” lên; trong khi con hổ tha cả “con lợn” thì chẳng ai dám phản ứng gì!.

Xưa kia đời sống khó khăn, chó mèo cùng chịu chung cảnh thèm lạt thịt cá như gia chủ. Bởi thế, mỗi khi mua được miếng thịt, có khi chưa kịp thái, hoặc đang thái, thì chỉ một tích tắc sơ hở là mèo cướp sống lấy một miếng bỏ chạy. Trong trường hợp này thì có khi cả nhà hoảng hốt vừa đuổi theo vừa la lối, hò hét, đập gõ ầm ĩ lên để con mèo phát hoảng mà “bỏ của chạy lấy người” mới thôi. Còn với con hổ, thì dù nó có mò vào làng bắt lợn, nhìn thấy rõ ràng trước mắt, ai nấy cũng đều im thít, nín thở ghé mắt qua khe cửa mà nhìn. Thế nên mới có dị bản “Mèo tha miếng thịt thì đòi/Hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng”!...”.

Như vậy, trong câu tục ngữ đang xét, thì mèo tượng trưng cho những kẻ yếu thế, trộm vặt, “Đói ăn vụng, túng làm càn”, còn hổ thì được ví với bọn đầu trộm đuôi cướp, hoặc tầng lớp áp bức bóc lột có sức mạnh và quyền thế. Theo đây, cách hiểu nghĩa bóng mà độc giả nêu ra cơ bản là đúng: Tâm lí người đời, với những kẻ yếu thế thì dù quyền lợi chỉ bị đụng chạm tí chút, người ta cũng đấu tranh đến cùng, giành lại cho bằng được; trong khi với những kẻ có sức mạnh, quyền thế, thì lại đành cam chịu, im lặng nhẫn nhục, cho dù có xảy ra mất mát lớn, hay quyền lợi bị xâm phạm một cách thô bạo. Và như vậy, cách giải thích của “Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao Việt Nam” không thể được xem là một cách hiểu khác của câu tục ngữ đang xét, vì nó thiếu cơ sở cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và cách dùng.

Mẫn Nông (CTV)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây