Sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024: Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái số

Thứ năm - 25/04/2024 19:05
 

Thanh toán không tiền mặt tăng chóng mặt

Chia sẻ về kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt được trong năm qua, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, năm 2023 là năm rất bận rộn của NHNN trong công tác chuyển đổi số, ngành đã tập trung hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

NHNN đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển.

Cũng trong năm 2023, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, chuẩn hóa cũng như thu thập, mở rộng thêm cơ sở dữ liệu khách hàng. Qua đó, giúp ngân hàng khai thác hiệu quả trong cung ứng sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, phục vụ nhu cầu cá nhân hóa và đơn giản hóa quy trình, tăng hiệu quả hoạt động.

Theo ông Tuấn, hiện nay, ngân hàng số không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin về sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024

Sau 3 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.

Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Đẩy mạnh hạ tầng, hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh toán

Về việc triển khai Đề án 06, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho hay, tính đến nay, có 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 58 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy;

Đồng thời, có 14 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.

Về làm sạch dữ liệu, có 23 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline…

Về hạ tầng thanh toán, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, với tốc độ tăng trưởng nhanh của các giao dịch thanh toán điện tử như hiện nay, khoảng 20%/ năm thì nhiệm vụ quan trọng của NAPAS chính là đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt. Song song với đó là việc đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện.

NAPAS cũng đưa ra các giải pháp thanh toán mới qua thẻ, tài khoản như giải pháp số hóa điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone), cho phép biến chiếc điện thoại di động thành máy thanh toán thẻ (Soft POS); dịch vụ số hóa thẻ trên nền tảng thiết bị di động và các website/ ứng dụng thương mại điện tử (Tap to pay) dự kiến sớm được ra mắt trong thời gian tới.

Ngoài ra, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý. Đến nay, NAPAS đã triển khai thí điểm 1 số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/ lệ phí cấp Lý lịch tư pháp cho người dân.

Liên quan đến vấn đề lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây, NAPAS đang phối hợp các NH và cơ quan quản lý đưa ra thêm 1 số giải pháp bổ trợ nhằm giám sát, phát hiện sớm tài khoản có dấu hiệu gian lận, giả mạo nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi thực hiện giao dịch.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây