Quản trị quốc gia trên thế giới - Một số vấn đề cơ bản
Quản trị quốc gia là một thuật ngữ chính trị - pháp lý được tiếp cận ở nhiều góc độ và với nhiều quan niệm khác nhau. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quản trị quốc gia là “cách thức thực thi quyền lực trong việc quản lý nguồn lực kinh tế và xã hội của một quốc gia vì sự phát triển”(1). Theo quan niệm này, có 6 chỉ số để đánh giá chất lượng quản trị quốc gia, bao gồm: Vai trò, tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình; sự ổn định về chính trị và xã hội phi bạo lực; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính phủ; chất lượng các văn bản, quy định của pháp luật; thượng tôn pháp luật; kiểm soát tham nhũng. Theo Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), quản trị quốc gia gắn liền với “việc thực thi quyền lực chính trị, hành chính, kinh tế để quản lý các vấn đề của quốc gia”(2). Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quản trị quốc gia là “cách thức mà nhờ đó quyền lực được thực hiện để quản lý các nguồn lực kinh tế, xã hội cho sự phát triển của một quốc gia. Nó đề cập đến chất lượng hoạt động của các thể chế có nhiệm vụ xây dựng, thực hiện và bảo đảm thực thi các chính sách tốt dựa trên cách thức hiệu lực, hiệu quả, công bằng và toàn diện”(3).
Ở một góc độ tiếp cận khác, quản trị quốc gia không thể tách rời nguyên tắc pháp quyền. Theo Liên hợp quốc, pháp quyền là nguyên tắc quản trị quốc gia. Nghị viện châu Âu cũng xem pháp quyền là nguyên tắc chung của các quốc gia trong châu lục. Theo đó, nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò nền tảng cho định hướng các hoạt động của các quốc gia, ràng buộc quan hệ giữa các nước. Vì thế, pháp quyền được xem là nguyên tắc phổ quát có tính toàn cầu, giữ vai trò như một yếu tố nền tảng trong các quan hệ quốc tế(4). Trong quản trị quốc gia, nguyên tắc pháp quyền được thể hiện ở chỗ, thượng tôn pháp luật là tư tưởng chỉ đạo trong tổ chức thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các chủ thể khác tham gia vào quá trình quản trị quốc gia cũng gắn liền với việc tuân thủ pháp luật, làm đúng pháp luật.
Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi khi tạo lập thể chế cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của các đối tượng liên quan, xây dựng thể chế quản trị quốc gia dựa trên sự thống nhất, đồng thuận mà mấu chốt là lợi ích công hài hòa với các lợi ích khác.
Trong quản trị nhà nước, nguyên tắc pháp quyền là quản trị dựa trên luật pháp. Nguyên tắc pháp quyền thực chất bao hàm nhiều ý nghĩa, dùng để chỉ chiến lược điều hành đất nước và cách thức điều tiết xã hội, thể hiện ở sự cai trị của pháp luật đối với cả người dân và chính phủ(5). Nguyên tắc pháp quyền được hiểu với nghĩa là các nguyên tắc bao gồm tổng thể các yếu tố cấu thành chủ yếu: Quyền lực nhà nước bị giới hạn, bị kiểm soát và ràng buộc bởi pháp luật; hiến pháp và pháp luật có hiệu lực tối thượng; an toàn pháp lý; bình đẳng trước pháp luật; pháp luật được tôn trọng và bảo vệ, các vi phạm được xét xử công bằng theo thủ tục tố tụng chặt chẽ bởi cơ quan xét xử độc lập; gắn pháp quyền với bảo đảm, bảo vệ tự do, nhân phẩm, công bằng, công lý, dân chủ và quyền con người. Điều kiện của nguyên tắc pháp quyền trong quản trị quốc gia là nền chính trị dân chủ; nhận thức của công dân về dân chủ, pháp luật và đạo đức được nâng cao; cải cách hệ thống lập pháp, hệ thống tư pháp và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau của các tổ chức quốc tế về quản trị quốc gia, nhưng nhìn chung đều có những điểm chủ yếu: Tính pháp quyền; huy động sự tham gia của người dân và các chủ thể kinh tế, xã hội; coi trọng đồng thuận xã hội; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình; hiệu lực, hiệu quả; hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; bình đẳng giữa các chủ thể trong và ngoài nhà nước.
Đặc trưng của quản trị quốc gia thể hiện qua vai trò và cách thức tác động của nhà nước với xã hội, hay nói cách khác là sự định hướng, dẫn dắt, điều chỉnh các quan hệ xã hội của nhà nước.
Ngày nay, ở nhiều quốc gia, nhà nước không còn là độc tôn trong quản lý xã hội. Các quốc gia này thừa nhận, khuyến khích người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu rộng vào việc quản lý các hoạt động của xã hội phù hợp với tính chất và điều kiện của từng dạng chủ thể. Nhà nước không còn giới hạn ở các thiết chế và thể chế chính thức, mà còn sử dụng cả những thiết chế và thể chế phi chính thức theo hướng đa tầng, đa trung tâm, phi cấu trúc, trong đó vai trò của nhà nước chủ yếu chỉ mang tính điều tiết. Về cách thức, mặc dù trong quản trị quốc gia, nhà nước vẫn duy trì quyền lực cưỡng chế trong những trường hợp cần thiết, xét tổng thể, nhà nước không còn hành xử một cách áp đặt, mà phải tuân thủ các quy tắc dân chủ về giới hạn quyền lực và về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình... Quản trị gắn liền với các giải pháp dựa trên sự đồng thuận của các chủ thể khác nhau. Theo đó, lựa chọn chính sách cuối cùng được đưa ra dựa trên kết quả của sự tham vấn, đàm phán, có tính đến quan điểm của các bên liên quan.
Ngày 31-5-2023, với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật về trần nợ công trên cơ sở các nội dung được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhất trí trước đó, sau nhiều tuần nỗ lực đàm phán (Trong ảnh: Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC). Ảnh: AFP/TTXVN
Từ các quan niệm của các tổ chức quốc tế về quản trị quốc gia và xu hướng xây dựng quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả hiện nay trên thế giới, có thể nhận định về quản trị quốc gia ở một số vấn đề cơ bản sau:
“Quản trị quốc gia là phương thức vận hành, quản lý xã hội bằng thể chế, luật lệ, cơ chế, quy trình, trên cơ sở sự tương tác, phối hợp dân chủ giữa các chủ thể nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích của các chủ thể và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia”(6). “Quản trị quốc gia là quá trình nhà nước và các chủ thể ngoài nhà nước cùng tham gia quyết định và thực hiện các quyết sách, mục tiêu để giải quyết các vấn đề của quốc gia hiệu quả. Hay nói cách khác, quản trị quốc gia được hiểu là các cơ quan, tổ chức của quốc gia có chức năng quản trị thiết lập mục tiêu quản trị, ra quyết định, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sử dụng công cụ, phương pháp quản trị phù hợp, phát huy tối đa nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu của quốc gia, cơ quan, tổ chức, địa phương của quốc gia đó với hiệu quả, giá trị cao nhất”(7).
Quản trị quốc gia có thể hiểu là cách thức tổ chức quyền lực chính trị, hành chính, xã hội nhằm quản trị xã hội, quản trị sự phát triển xã hội bảo đảm lợi ích công và vì mục tiêu phát triển quốc gia. Quản trị quốc gia không phải là một mô hình nhà nước hay hệ thống chính trị, mà là các nguyên tắc định hướng cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hoặc hệ thống chính trị đó.
Quản trị nội bộ quốc gia gắn liền với việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Quản trị quốc gia trước hết tạo lập thể chế phát triển, giải quyết các điểm nghẽn cản trở phát triển. Mỗi quốc gia sẽ có những điểm nghẽn cản trở phát triển khác nhau, quản trị quốc gia cần nhận diện được những điểm nghẽn đó để giải quyết, tạo ra động lực phát triển mới.
Quản trị quốc gia không phải là tách biệt, khác biệt về bản chất cơ bản - tổng thể với nền quản lý nhà nước, càng không phải là “đối lập” với quản lý nhà nước, mà có thể được coi là một dạng thức của quản lý nhà nước, nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới hơn, cao hơn về chức năng của nhà nước đối với quá trình phát triển ngày càng xã hội hóa cao hơn, nhà nước không chỉ phải thực hiện tốt các chức năng quản lý “truyền thống”, mà còn phải đề cao hơn chức năng kiến tạo phát triển, “đối tác phát triển” đối với các chủ thể trong xã hội.
Quản trị quốc gia nhìn nhận quốc gia là một tổng thể, một thực thể với đầy đủ nguồn lực, lợi thế so sánh và cả những hạn chế cần khắc phục. Quản trị quốc gia đòi hỏi quản trị địa phương bên cạnh việc biết những lợi thế của địa phương thì cũng cần tư duy đầy đủ về lợi ích chung của quốc gia, đặt quản trị địa phương trong tổng thể quản trị quốc gia, không thể là sự khu biệt, tách biệt. Quản trị quốc gia đòi hỏi cần phải phân định rõ vai trò, trách nhiệm của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, trách nhiệm của nhà nước, thị trường và xã hội trước các vấn đề phát triển. Tầm nhìn quốc gia phải được sự chia sẻ của nhà nước, thị trường và xã hội, không phải là việc riêng của nhà nước và càng không phải là việc riêng của xã hội hay thị trường. Tầm nhìn quốc gia cần là điểm cố kết để nhà nước, thị trường và xã hội thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất vai trò, trách nhiệm của mình.
Quản trị quốc gia giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua việc xác định vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển. Đó không chỉ là quá trình một chiều, mà còn là sự tương tác nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu cho phát triển.
Quản trị quốc gia thiết lập môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho phát triển. Những biến động của thế giới và khu vực, những khủng hoảng về kinh tế, tài chính đang đặt ra những thách thức, yêu cầu cao hơn đối với năng lực quản trị quốc gia. Quản trị quốc gia có khả năng dự báo, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến động, khủng hoảng, kịp thời đưa ra các phương án ứng phó với các biến động, khủng hoảng.
Quản trị quốc gia từ góc nhìn Việt Nam hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về quản trị quốc gia. Trong lý luận và thực tiễn, các thuật ngữ quản lý nhà nước, quản trị công, quản trị tốt được sử dụng để thay thế quản trị quốc gia. Do đó, các tiêu chí của quản lý nhà nước, quản trị công, quản trị tốt, như tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, dân chủ, cơ chế bảo hiến, phân cấp, phân quyền... được đồng nhất với các tiêu chí của quản trị quốc gia.
Khái niệm quản trị quốc gia được đề cập đến trong một số diễn đàn và được chính thức đề cập trong Văn kiện Đại XIII của Đảng, khi xác định: “Xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia”(8). Một trong các nội dung của đột phá chiến lược được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là:“Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”(9). “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”(10). “Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia”(11).
Theo cách tiếp cận trên, có thể nhận thấy, quản trị quốc gia gắn liền với yếu tố thể chế, pháp luật, tạo lập môi trường phát triển, quản lý phát triển và quản lý xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Ở Việt Nam, quản trị quốc gia gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Với tầm nhìn, định hướng mà Đảng xác định, tầm nhìn quản trị quốc gia từ đó được minh định. Nhà nước là chủ thể quản trị quốc gia quan trọng nhất, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với hiệu quả quản trị quốc gia. Tuy nhiên, Nhà nước không phải là chủ thể duy nhất tham gia vào quản trị quốc gia. Sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, của khu vực ngoài nhà nước đang đặt ra những yêu cầu mới trong tổ chức quản trị quốc gia. Bên cạnh đó, những vấn đề mới phát sinh trong quản trị quốc gia cho thấy, Nhà nước không thể tự mình quản trị quốc gia có hiệu quả, mà cần phải huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước, thị trường và xã hội vào quá trình này. Với tư cách là chủ thể đặc biệt quan trọng trong quản trị quốc gia, Nhà nước thực hiện vai trò thiết lập định hướng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kiến tạo thể chế, môi trường, tổ chức không gian trong quản lý và phát triển quốc gia. Những yếu tố này là điều kiện quan trọng quyết định cho sự phát triển của quốc gia. Nhà nước đưa ra những dự báo, thông tin đa dạng, toàn diện về các lĩnh vực liên quan đến phát triển quốc gia, định hướng cho sự phát triển của thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Cùng với Nhà nước, sự tham gia của xã hội mà trực tiếp là sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội vào quá trình hoạch định chính sách, thực hiện chính sách phát triển có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quản trị quốc gia. Xã hội tham gia với ý nghĩa là một chủ thể quản trị quốc gia, đồng thời với tư cách là chủ thể cung cấp nguồn lực cho phát triển, chủ thể phản ánh về chính sách, pháp luật, chủ thể góp phần thực hiện tầm nhìn quốc gia. Xã hội cùng Nhà nước, thị trường giải quyết những vấn đề phát triển khi Nhà nước không đủ nguồn lực và thị trường không dành sự quan tâm đối với các vấn đề đó. Sự tham gia của doanh nghiệp, thị trường vào quá trình quản trị quốc gia thông qua việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Sự định hướng về phát triển kinh tế - xã hội từ cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua các lực lượng của thị trường.
Đối với nước ta, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quá trình quản trị quốc gia là một tất yếu, khách quan, là điều kiện để quản trị quốc gia đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự định hướng của Đảng giải quyết toàn diện các vấn đề đặt ra trong quản trị quốc gia, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ðại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, đến năm 2030 và năm 2045: Ðến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Ðến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam được xác định xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Tầm nhìn quốc gia phải bao quát được những nội dung này để quản trị quốc gia toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với với tư duy và tầm nhìn thời đại.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Những vấn đề toàn cầu, như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu là một trong những nội dung của quản trị quốc gia. Tham gia giải quyết vấn đề toàn cầu được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, như đưa ra các sáng kiến toàn cầu, tham gia các diễn đàn, các văn bản, chương trình mục tiêu... liên quan.
Quản trị quốc gia cần được đặt trong bối cảnh quản trị toàn cầu, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa không chỉ làm tăng lên sự kết nối, mà còn khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng lên của vấn đề bản sắc. Quá trình toàn cầu hóa càng mạnh thì yếu tố quốc gia càng cần được khẳng định. Để tham gia vào sân chơi toàn cầu, có tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu thì quản trị quốc gia chính là chìa khóa cho vấn đề này.
Quản trị quốc gia bảo đảm các yếu tố tiềm năng trở thành nhân tố cấu thành năng lực cạnh tranh quốc gia: Đất đai và tài nguyên thiên nhiên; nguồn tài nguyên nhân lực; các điều kiện nhu cầu, thị trường nội địa; các yếu tố do con người tạo ra, gồm thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng, khoa học, công nghệ, cơ chế hoạt động và cạnh tranh của doanh nghiệp. Quản trị quốc gia làm cho những nhân tố này thực sự tạo thành sức mạnh quốc gia, khẳng định được tầm ảnh hưởng quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa. Quản trị quốc gia cũng cần tìm ra những rào cản, những nguyên nhân dẫn đến tiềm năng không trở thành được nguồn lực, yếu tố thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Quá trình này không chỉ cần sự nỗ lực từ phía Nhà nước, mà còn cần có sự lắng nghe từ xã hội, doanh nghiệp, thị trường.
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống tội phạm góp phần xây dựng nông thôn mới_Ảnh: TTXVN
Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Từ kinh nghiệm quản trị quốc gia của các nước trên thế giới và xem xét đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, cần thực hiện một số vấn đề sau:
Một là, nhận thức đầy đủ về quản trị quốc gia. Vấn đề quản trị quốc gia cần được tiếp tục nghiên cứu, luận giải ở các góc độ khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng. Cần nhận thức rằng, quản trị quốc gia không có mẫu số chung cho mọi quốc gia, mà phải gắn với thực tiễn mỗi quốc gia, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của quốc gia đó. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia cần xây dựng mô hình quản trị quốc gia phù hợp để quản trị quốc gia thực sự là động lực, là đòn bẩy cho phát triển. Quản trị quốc gia là một quá trình tìm tòi, gắn với điều kiện thực tiễn để vận hành. Đó là phương thức quản lý hiện đại, với mục tiêu mang lại sự ổn định, phát triển thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Sự xuất hiện của thuật ngữ “quản trị quốc gia” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã phản ánh sự chuyển biến lớn về nhận thức chiến lược của Đảng. Trước yêu cầu của thực tiễn xã hội, tại Đại hội XIII của Đảng xác định: Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Yêu cầu đặt ra cho Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là tập trung ưu tiên thực hiện, cụ thể hóa, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu cốt lõi của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là cách thức tổ chức thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước phát triển hùng cường, chăm lo ngày càng tốt hơn cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta coi quản trị quốc gia là một nội dung quan trọng, có tính cấp thiết đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...
Để quản trị quốc gia hiệu quả, phải nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng, cần chú trọng việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quản trị quốc gia. Để quản trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay, phải nâng cao năng lực kiến tạo phát triển, chủ động nắm bắt, phân tích, xử lý kịp thời và đưa ra những phương án, dự báo, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần có khả năng thể chế hóa các định hướng đúng đắn của Đảng thành khuôn khổ thể chế cho phát triển. Quá trình thể chế hóa cần giảm khoảng cách giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Ba là, hoàn thiện các cơ sở, tiền đề của quản trị quốc gia. Quản trị quốc gia được bảo đảm bằng các cơ sở chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội. Cơ sở kinh tế của quản trị quốc gia chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường đa dạng hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và bảo đảm các yêu cầu: hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Sự hình dung cụ thể hơn về đặc trưng, bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần định hướng cho quản trị quốc gia. Về cơ sở chính trị, cần khẳng định và làm rõ vai trò hạt nhân, trung tâm lãnh đạo của Đảng trong nền quản trị quốc gia, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản trị quốc gia. Về cơ sở xã hội, cần nâng cao trách nhiệm, năng lực của các tổ chức xã hội, sự tham gia của người dân trong các lĩnh vực quản lý phát triển và quản lý xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hợp tác công - tư, cơ chế chuyển giao nhiệm vụ của Nhà nước cho khu vực ngoài nhà nước đảm nhận để giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát triển và thúc đẩy sự phát triển, từ nỗ lực không chỉ của riêng Nhà nước, mà còn là nỗ lực của cả quốc gia.
Bốn là, tăng cường đo lường và đánh giá nền quản trị quốc gia. Các tiêu chí đánh giá quản trị quốc gia Việt Nam cần tổ hợp có hiệu quả các chỉ số đánh giá quản trị quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, như chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, các chỉ số về minh bạch ngân sách... để xây dựng tiêu chí, chỉ số đánh giá quản trị quốc gia Việt Nam./.
TS ĐOÀN VĂN DŨNG
Học viện Hành chính quốc gia
-------------------------------
(1) WB, World Development Report: “Governance and Development” (Tạm dịch: Quản trị và phát triển), WashingtonDC, 1992, tr. 1
(2) UNDP: “Governance & Sustainable Human Development” (Tạm dịch: Quản trị và phát triển con người bền vững), A UNDP Policy Document, 1997, tr. 6
(3) ADB: “Governance: Sound Development Management” (Tạm dịch: Quản trị: Quản lý phát triển lành mạnh), 1995, tr. 3
(4) Trần Ngọc Đường: “Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2-10-2020, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/cac-nguyen-tac-phap-quyen-va-viec-tuan-thu-cac-nguyen-tac-phap-quyen-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-nuoc-ta
(5) Geoffrey de Q. Walker:“Rule of law and the democratic world order. Jurisprudence of Liberty” (Tạm dịch: Nhà nướcpháp quyền và trật tự thế giới dân chủ, trích từ cuốn Luật Tự do), hiệu đính bởi Suri Ratnapala và Gabriel A. Moens, Chatswood, N.S.W., Australia, 2011, tr. 83 – 92
(6) Nguyễn Văn Thôi: “Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-12-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824506/nhung-van-de-co-ban-ve-doi-moi-quan-tri-quoc-gia-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx
(7) Đề tài khoa học cấp Bộ: Bối cảnh mới của đất nước và yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, Bộ Nội vụ, 2022
(8), (9), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 132, 203, 220, 227
Theo Tạp chí Cộng sản
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn