Đó là một trong những nội dung trên bảng nội quy treo ngay đầu đường vào thị trấn Hầu Động (Houtong) ở huyện Thụy Phương (Rueifang), Đài Loan - Trung Quốc.
Hầu Động lâu nay được người dân Đài Loan và du khách xem như "vương quốc" mèo. Ở đây, mèo được bảo tồn và chăm sóc như... thượng đế. Toàn bộ khung cảnh trang trí tại Hầu Động đều mang hình ảnh mèo. Từ mái nhà, quán ăn đến lối đi lại, cầu thang..., du khách thường xuyên bắt gặp hàng chục "cư dân" mèo thong dong đi lại hoặc thảnh thơi nằm ì phơi nắng.
Tại Hầu Động, góc ngã tư nào cũng có bãi cát và dụng cụ để xử lý chất thải của mèo, kèm theo tấm bảng "Xin đừng đuổi chúng tôi, vì đây là ngôi làng của chúng tôi - ngôi làng của những chú mèo". Một dòng chữ tế nhị, ngụ ý nếu "chúng tôi" lỡ phóng uế đâu đó ngoài đường thì hãy giúp thu dọn chứ đừng xua đuổi!
Mèo có mặt khắp nơi ở Hầu Động và rất thân thiện
Hầu Động càng nổi tiếng về việc bảo tồn, chăm sóc mèo thì thị trấn này cũng càng sôi động vì mỗi ngày đón hàng ngàn lượt du khách. Tất nhiên, ai đã có ý định đến Hầu Động thì đều yêu quý mèo. Họ sẵn sàng chăm sóc, cho mèo ăn thay người dân địa phương.
Có lẽ vì vậy mà rất nhiều mèo ở Hầu Động bị... béo phì. Chúng lười nhác nằm, ngồi khắp nơi; du khách cứ việc thoải mái chụp ảnh, vuốt ve mà không nhận lại sự khó chịu nào.
* * *
Hầu Động chỉ có hơn 50 căn nhà liền kề, nhìn như một xóm trọ tập thể. Mỗi nhà chỉ rộng hơn 60 m2, trông rất cũ kỹ.
Vào năm 1970, một mỏ than trữ lượng hàng triệu tấn được phát hiện ở Hầu Động. Từ đó, công nhân nhiều nơi đổ xô đến đây làm việc, họ xây những căn nhà cấp 4 giống nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Có giai đoạn, khu vực này tập trung đến 900 gia đình với 6.000 người. Tuy nhiên, đến năm 1990, khi ngành than Đài Loan bắt đầu đi xuống, Hầu Động cũng trở nên đìu hiu.
Năm 2008, khi đến Hầu Động, một nhóm tình nguyện phát hiện rất nhiều mèo hoang. Các bức ảnh chụp những chú mèo trong ngôi làng thanh bình đã khiến nhiều người nảy ra ý tưởng biến nơi đây thành "vương quốc" của chúng. Thế rồi, một cuộc khảo sát ý kiến về chiến dịch bảo tồn mèo được đưa ra và 100% người dân đều ủng hộ.
Mèo có nhà riêng, cận kề nhà dân ở Hầu Động
Từ vài chục mèo hoang ban đầu, qua năm tháng, số lượng mèo ở Hầu Động đã tăng lên vài ngàn con - nhiều hơn người dân sinh sống ở đây hàng chục lần. Các gia đình ở Đài Loan, vì nhiều lý do, không nuôi được mèo nữa cũng mang đến đây gửi. Khi được "nhập hộ khẩu" ở Hầu Động, mèo sẽ được đánh mã số, gắn ký hiệu lên tai hoặc vị trí nào đó để theo dõi sự phát triển. Mèo nhiều đến nỗi, để hạn chế "dân số" tăng chóng mặt, thỉnh thoảng nhóm tình nguyện lại bắt chúng đi… triệt sản.
Bà Yu Tang - sống ở Hầu Động đã hơn 45 năm - cho biết ban đầu, người dân địa phương rất thích thú khi thị trấn được trang hoàng đẹp mắt với những hình ảnh mèo sinh động. Tuy nhiên, có thời điểm mèo quá nhiều khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị xáo trộn.
"Gần đây, mèo đã được kiểm soát ổn định về số lượng và nhiều căn nhà dành cho chúng được làm khắp nơi. Sống với mèo lâu ngày, người dân địa phương ai cũng quý mến chúng. Mèo có nhà riêng, cận kề nhà dân và chúng tôi cũng xem chúng như hàng xóm" - bà Yu Tang tự hào.
* * *
Trong số những hộ dân ít ỏi ở "vương quốc" mèo, chúng tôi bất ngờ gặp được một cô dâu Việt. Đó là chị Nguyễn Thu Hà, chủ quầy quà lưu niệm cách trạm dừng tàu điện thị trấn Hầu Động khoảng 50 m.
Hơn 20 năm trước, chị Hà là một trong hàng ngàn cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan. Chị vốn sống ở thị trấn Thập Phần, cách Hầu Động một trạm tàu điện. Là người yêu thích mèo, khi biết Hầu Động bảo tồn loài vật này, chị liền bàn với chồng mua một căn nhà nhỏ tại đây để cuối tuần lui tới thăm chơi. Mỗi lần đến Hầu Động, hành lý của chị là giỏ thức ăn dành cho mèo.
Du khách thoải mái vuốt ve, cho mèo ăn và chụp ảnh
"Số lượng mèo dần nhiều lên, đồ ăn mà tôi chuẩn bị cho chúng trong mỗi chuyến đi luôn thiếu thốn. Thế là vợ chồng tôi quyết định tận dụng căn nhà của mình làm cửa hàng bán thức ăn cho mèo, kèm theo quầy quà lưu niệm" - chị Hà nhớ lại.
Vốn bận bịu công việc kinh doanh tại thị trấn Thập Phần, chị Hà đã biến cửa hàng của mình ở Hầu Động theo phong cách phục vụ rất độc đáo. Khách đến tự mua hàng, trả tiền và tự lấy tiền thối trong hộp nếu cần.
Chị Hà giải thích: "Chúng tôi mở cửa hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, mua thức ăn cho mèo. Cửa hàng không thuê người phục vụ vì tiền công rất cao so với lợi nhuận. Hơn nữa, việc cửa hàng không có người phục vụ cũng tạo điểm nhấn khiến du khách thích thú. Cuối tuần, vợ chồng tôi chỉ việc đến kiểm kê, bổ sung hàng hóa và thu tiền".
Theo chị Hà, cửa hàng ở Hầu Động đã mở được hơn 6 năm nhưng chưa lần nào mất hàng hóa hay tiền bạc. "Nếu có ai đó lấy thức ăn thì cũng đem cho mèo, xem như họ thay mình chăm sóc chúng. Vợ chồng tôi mở cửa hàng này cho vui thôi, vậy mà mỗi tháng cũng lãi hơn 5.000 tân Đài tệ (khoảng 3,8 triệu đồng) - chị khoe.
Nhiều năm sống tại Đài Loan, chị Hà nhận thấy không chỉ ở Hầu Động mà hầu hết người dân hòn đảo này cũng yêu thích mèo vô cùng. Nhiều phụ nữ độc thân đã lựa chọn bầu bạn với thú cưng là mèo sau giờ làm việc. Trong công viên, chúng tôi dễ dàng bắt gặp các cô gái dắt 4-5 chú mèo đi dạo. "Nếu Hầu Động là "vương quốc" mèo thì Đài Loan cũng có thể được xem là vùng đất của mèo" - chị Hà nhận xét.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn