Căn cứ cách mạng Đồng Bò

Chủ nhật - 26/03/2023 22:40
 

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ và nhanh chóng mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Nam Trung Bộ. Sau khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, đầu tháng 2-1946, một bộ phận lớn lực lượng dân, chính, đảng Khánh Hòa đã rút lên vùng rừng núi để tiếp tục chỉ đạo phong trào kháng chiến. Do có những điều kiện thuận lợi, Đồng Bò trở thành một trong những địa điểm đầu tiên được cơ quan lãnh đạo thị xã Nha Trang, huyện Vĩnh Xương chọn làm căn cứ.

Khu vực Đồng Bò ngày nay. Ảnh: M. Phương

Địa điểm đầu tiên là một vườn dừa, rộng gần chục héc-ta có mật danh là “Vườn dừa Sông Lô”. Từ năm 1946 đến cuối năm 1948, một số cơ quan liên lạc đường thủy và Trạm Quân báo Liên khu V… cùng đứng chân hoạt động. Tháng 5-1950, Thị ủy Nha Trang quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo về Đồng Bò gần dân hơn để kịp thời chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân, đồng thời cũng tránh thế bị kẻ thù bao vây cô lập. Địa điểm đóng quân được trải dài trên một phạm vi khá rộng, tại các địa điểm suối Bãi Sậy, suối Xuân Hải, Bầu Sáu, bãi xây xanh, vùng núi từ Đá Chẹt qua Bãi Rông… Lực lượng vũ trang của ta ngoài nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ còn trực tiếp tham gia, góp phần lập nên chiến công oanh liệt trong trận đốt kho xăng Phước Hải của địch (tháng 1-1954), thiêu cháy hơn 4 triệu lít xăng, góp phần đập tan chiến dịch Atland khi chúng tấn công ra các vùng tự do của Liên khu V.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa đã từ căn cứ Đá Bàn (huyện Ninh Hòa) về căn cứ Đồng Bò để chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh trong hoàn cảnh mới. Đầu năm 1960, Ban Cán sự của Thị ủy Nha Trang và Ban Cán sự của Huyện ủy Vĩnh Xương đã cùng về đứng chân tại căn cứ Đồng Bò, khu vực gộp Leo dây (hay còn gọi là gộp liên huyện - thị).

Sau phong trào đồng khởi 1964 - 1965, hầu hết các cơ quan của Thị ủy Nha Trang và Huyện ủy Vĩnh Xương đã cùng về đứng chân tại căn cứ Đồng Bò, tại các gộp: Leo dây, Thị ủy, Kinh tài, Trạm xá, K.5… Cùng với bộ đội đặc công của khu, lực lượng quân sự địa phương ở Đồng Bò thường tổ chức pháo kích, tấn công những cứ điểm quan trọng của địch trong nội thị, như: Sân bay Nha Trang, Cảng quân sự Cầu Đá… gây cho chúng nhiều tổn thất. Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một bộ phận của Trung đoàn Sao Thủy đã về đứng chân tại Đồng Bò và làm lễ xuất quân với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi tiến thẳng vào các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Cũng tại khu vực gộp Leo dây, ta đã hai lần tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Vĩnh Trang trong kháng chiến chống Mỹ: Đại hội lần II vào tháng 8-1968, Đại hội lần III vào tháng 3-1970.

Sau Tết Mậu Thân, tình hình ngày càng khó khăn bởi lực lượng của ta đã bị tổn thất rất nhiều, bộ đội chủ lực được điều đi nơi khác, trong khi đó kẻ địch tăng cường đánh phá và thường xuyên càn quét vào căn cứ. Bởi vậy, từ giữa năm 1970, cơ quan chỉ đạo của Vĩnh Trang cùng lực lượng quân sự địa phương đã chuyển đến một địa điểm khác là khu vực Suối Lùng, cách địa điểm cũ khoảng 10km về phía Tây Nam. Đây là khu vực kín đáo, có rất nhiều hang gộp, đường đi lại khó khăn và được những cánh rừng nguyên sinh che phủ, thuận tiện cho cuộc sống bí mật ở căn cứ. Ở đây có những di tích tiêu biểu, như: Gộp Thường vụ, gộp Thị ủy, gộp Tuyên huấn, gộp Kinh tài, gộp Trạm xá, gộp C90… Tại khu vực Suối Lùng, ta đã hai lần tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Vĩnh Trang: Đại hội lần III vào tháng 6-1972 và Đại hội lần IV vào tháng 12-1974. Và Suối Lùng là căn cứ của Huyện ủy Vĩnh Trang hoạt động cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (2-4-1975).

Tuy nhiên, cho dù căn cứ Đồng Bò có những điều kiện tự nhiên thuận lợi song để cán bộ, chiến sĩ của ta có thể sống và chiến đấu được trong hàng chục năm trời thì yếu tố quyết định cho sự tồn tại của căn cứ này chính là nhân dân. Tấm lòng của nhân dân dành cho cách mạng thật là sâu sắc. Sự giúp đỡ của nhân dân Nha Trang, Diên Khánh và các địa phương khác trong tỉnh dành cho các chiến sĩ cách mạng ở Đồng Bò thật là vô hạn. Nhân dân không những bao bọc, bảo vệ cho cán bộ mà còn trực tiếp tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất. Nếu không có sự che chở, giúp đỡ của nhân dân, không có sự bảo vệ và nguồn tiếp tế vô tận của nhân dân quanh vùng căn cứ thì căn cứ Đồng Bò đã không thể tồn tại trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì thế, có thể nói: “Đồng Bò là căn cứ giữa lòng dân!”.

Cùng với những căn cứ cách mạng khác trong tỉnh, Đồng Bò luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, là niềm tin mãnh liệt của cán bộ và nhân dân sống trong vùng tạm bị chiếm đối với thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, căn cứ cách mạng Đồng Bò đứng vững trong suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ là một kỳ tích, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, là niềm tự hào sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa.

TƯ LIỆU

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây