Sau Tết Nguyên đán, trên khắp cả nước nhiều lễ hội mùa xuân đồng loạt được tổ chức khai hội. Các hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về phong tục, tập quán; Về lối sống độc đáo, đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương.
Đây là các sự kiện để người dân tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh, các anh hùng dân tộc có công với đất nước.
Mỗi lễ hội đều có những câu chuyện và nét đẹp riêng. Lễ hội được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại. Là một trong những môi trường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc rất tốt cho lớp trẻ.
Đi lễ hội đầu năm là nhu cầu tinh thần chính đáng của mọi người dân. Để tham gia các lễ hội mùa xuân an toàn và văn minh, người tham gia lễ hội cần trang bị những bí kíp dưới đây.
Sau Tết Nguyên đán, trên khắp cả nước nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức khai hội. Ảnh: TL
Những lưu ý khi tham gia lễ hội mùa xuân
Chọn lễ hội mùa xuân phù hợp
Lễ hội truyền thống ở Việt Nam của mỗi vùng miền đều mang nét đẹp văn hóa và bản sắc riêng. Các hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về phong tục, tập quán, về lối sống độc đáo, đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương.
Do đó, khi tham gia lễ hội nào đó du khách nên tìm hiểu và chọn những lễ hội phù hợp với tính cách, tình trạng sức khỏe của mình để có được niềm vui trọn vẹn.
Xem dự báo thời tiết khi tham gia lễ hội
Thời tiết là vấn đề cũng đáng được lưu tâm khi tham gia các lễ hội truyền thống. Xem dự báo thời tiết sẽ giúp người tham gia lễ hội chuẩn bị được trang phục phù hợp, chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết. Đặc biệt có thể tránh được những bất lợi do thời tiết xấu mang lại.
Tìm trước nơi lưu trú khi tham gia lễ hội
Tại những nơi diễn ra lễ hội thường rất đông đúc. Do đó, để có những phút nghỉ ngơi thư giãn, thoải mái sau khi tham gia lễ hội có thể đặt trước phòng nghỉ hoặc khách sạn gần nơi tổ chức lễ hội. Nên đặt trước phòng cả tháng hoặc lâu hơn để có chỗ nghỉ ngơi lý tưởng.
Mặc trang phục thoải mái
Vì các lễ hội truyền thống ở Việt Nam thường được tổ chức ngoài trời, đông người và di chuyển rất nhiều. Do đó, cần mặc những trang phục nhẹ nhàng, thoải mái, đi giày bệt êm chân sẽ rất có ích.
Đối với những lễ hội tâm linh, cần mặc những trang phục kín đáo, nghiêm trang và có sự tôn kính. Nên trang bị một chiếc ba lô phù hợp, đủ để những vật dụng cần thiết. Không nên mang những đồ đạc lỉnh kỉnh làm ảnh hưởng đến những hoạt động khi tham gia lễ hội.
Bảo vệ da khi đi hội
Kem chống nắng rất hữu ích cho các hoạt động lễ hội ngoài trời. Nếu thời tiết nắng nóng, kem chống nắng sẽ giúp làn da chống lại tác hại của tia UV. Ngoài ra, cũng nên trang bị mũ rộng vành, kính mát để giảm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Mang theo nước và đồ ăn nhẹ
Khi tham gia các lễ hội nên mang theo nước trong ba lô vì không phải lúc nào khát cũng có thể mua nước được ngay. Ngoài ra, khi tham gia liên tiếp các hoạt động của lễ hội có thể khiến bạn mất sức và tụt huyết áp. Khi đó một chiếc bánh hay chiếc kẹo sẽ rất hữu ích.
Đi theo nhóm, bám sát nhau
Tại các lễ hội truyền thống ở Việt Nam, lượng người sẽ rất đông đúc, chật chội. Do đó, nếu đi theo đoàn hay gia đình không được tách đoàn, cần bám sát nhau. Ngoài ra, cần trang bị các phương tiện liên lạc để có thể liên hệ. Nếu chẳng may bị lạc cần tìm đến nơi thoáng người, dễ nhìn hoặc nơi có biển hiệu để chờ các thành viên khác tìm đến.
Trông chừng, theo sát con trẻ trong suốt hành trình
Khi cho trẻ tham gia những lễ hội truyền thống, nên lựa chọn lễ hội gần nơi ở và được tổ chức trong ngày. Đặc biệt lễ hội luôn đông đúc và chen lấn, do đó phải để mắt đến con trẻ thường xuyên tránh thất lạc.
Cũng nên chuẩn bị thức ăn, đồ uống, các loại thuốc cần thiết cho trẻ. Đồng thời, chuẩn bị các trang phục phù hợp cho trẻ khi tham gia lễ hội
Bảo quản tư trang cá nhân để tránh mất cắp, đánh rơi
Khi tham gia lễ hội, chúng ta thường quá tập trung vào các hoạt động đang diễn ra mà lơ là việc bảo quản đồ cá nhân. Lễ hội đông người thường là cơ hội cho kẻ gian trộm đồ. Do đó, hãy luôn để ý, bảo quản tư trang, tiền bạc.
Tham gia lễ hội mùa xuân du khách cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để niềm vui được trọn vẹn. Ảnh: TL
Trách nhiệm của người tham gia các lễ hội mùa xuân
Theo khoản 2 Điều 6, Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau:
- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
- Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
- Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;
- Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định trên còn phải thực hiện các quy định sau:
+ Không đi lễ hội trong giờ hành chính;
+ Không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Lễ hội mùa xuân mỗi vùng miền có nét đặc trưng, độc đáo riêng. Ảnh: TL
Vứt rác bừa bãi khi tham gia lễ hội có thể bị phạt 500.000 đồng
Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm phổ biến trong lễ hội. Cụ thể:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người có một trong các hành vi sau:
+ Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích;
+ Ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ;
+ Nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm;
+ Xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.
Truyền bá mê tín dị đoan có thể bị phạt tới 5 triệu đồng
Cũng theo Khoản 2 Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP) phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người có hành vi sau:
- Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
- Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, người lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú… để trục lợi thì phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên.
Lưu ý: Cùng một hành vi vi phạm mức phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (gấp 02 lần với các mức phạt trên nếu tổ chức vi phạm, trừ hành vi treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội).
Ngoài ra, gây mất trật tự ở lễ hội sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (Theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Hiện nay, pháp luật không quy định xử phạt vi phạm đối với người mặc hở hang, phản cảm tại nơi công cộng hoặc khi đi chùa, đền, lễ hội.
L.Vũ (th)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn