Vì sao có chuyện bố mẹ bạo hành con?

Thứ bảy - 13/04/2024 17:15
 

Những ông bố bà mẹ bạo hành con cái thường sinh ra và lớn lên trong gia đình bạo hành, đa số hành động bạo hành con cái của họ chính là tái diễn những gì thời thơ ấu họ đã phải chịu. “Tấm gương” của họ chính là bố mẹ từng ngược đãi họ.

Mà bạo lực là cách duy nhất họ học được để giải quyết vấn đề và giải tỏa cảm xúc (đặc biệt là tức giận). Kiểu bố mẹ này thực chất đều chán ghét bản thân, không có chỗ để trút giận, sợ bị thất bại, thiếu lòng tin đối với người khác cũng như cảm giác an toàn ở mình.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ tràn ngập lo âu, căng thẳng và đau khổ, những cảm xúc này dần dần phát triển thành những mong muốn tiêu cực và tâm lý đề phòng cố chấp. Chúng sẽ mang đầy thành kiến tồi tệ với tất cả mọi người, cảm thấy rằng chúng sẽ bị tổn thương, bị ngược đãi như thời thơ ấu, vì vậy chúng khoác vào cho mình lớp áo giáp kiên cố để không cho ai đến gần.

Tuy nhiên, thật không may, bộ giáp này hóa ra không phải để bảo vệ mà là một sự trói buộc sâu sắc. Nếu không được chữa trị, sự phẫn nộ và thất bại của chúng sẽ gây ra hệ lụy với hôn nhân và quan hệ gia đình sau này.

Ảnh minh họa. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels.

Nếu bạo hành thể xác là một hình thức tra tấn về thể xác thì bạo hành ngôn ngữ là một hình thức tra tấn về tinh thần. Hầu hết các ông bố bà mẹ thi thoảng sẽ nói những điều hạ thấp con mình, đây chưa chắc là bạo hành ngôn ngữ. Nhưng nếu cha mẹ thường xuyên chế giễu ngoại hình, trí thông minh, khả năng hoặc giá trị con người của trẻ thì đó được coi là bạo hành ngôn ngữ.

Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình vô dụng, từ đó cực kỳ tự ti. Ở một mức độ nào đó, nếu không được chữa trị, chúng sẽ biến những lời dự đoán tiêu cực của bố mẹ thành sự thật. Đó là con đường dẫn đến sự tê liệt tâm lý.

Xâm hại tình dục. Trong Tâm lý học, hành vi này được định nghĩa là loạn luân [...]. Kẻ xâm hại kia không nhất thiết phải có quan hệ huyết thống với trẻ, hắn có thể là bất kỳ ai mà đứa trẻ coi như thành viên trong gia đình, chẳng hạn như cha dượng, mẹ kế hoặc những người có quan hệ thông gia. Ngoài ra còn có một số hình thức xâm hại không liên quan đến việc tiếp xúc thân thể với trẻ nhưng cũng có hại không kém. Chẳng hạn như kẻ xâm phạm để lộ cơ thể hoặc thủ dâm trước mặt trẻ em, dụ dỗ trẻ em chụp ảnh khiêu dâm, v.v...

Chúng ta cũng phải bổ sung thêm định nghĩa về loạn luân: Đó phải là một hành động đòi hỏi giữ bí mật. Những cái ôm, những cái hôn yêu thương mà bố mẹ dành cho con cái không cần phải giữ bí mật. Trên thực tế, kiểu tiếp xúc cơ thể này rất quan trọng đối với sự phát triển cảm xúc lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ hoặc để trẻ tự làm việc đó trong bí mật thì hành vi này bị coi là loạn luân.

Loạn luân có lẽ là trải nghiệm tàn khốc nhất và khó để mở lời với ai nhất. Điều này khiến trẻ đánh mất niềm tin cơ bản nhất giữa chúng và cha mẹ, đồng thời cũng hủy hoại cảm xúc của trẻ. Những nạn nhân yếu ớt này hoàn toàn phụ thuộc vào những kẻ xâm hại, chúng không có nơi nào để trốn và không có một ai giúp đỡ.

Những tác động tiêu cực này không thể loại bỏ chỉ trong vòng ba đến năm năm, nhiều nạn nhân vẫn thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm dù bố mẹ đã qua đời nhiều năm, nỗi sợ hãi khiến họ không thể làm việc và sinh hoạt bình thường.

Họ cũng có những khiếm khuyết nghiêm trọng về cái tôi, tính cách và cảm xúc. Họ thường có cái tôi tiêu cực, khó xây dựng sự ổn định trong một mối quan hệ thân mật, không thể giải tỏa được cảm giác nhục nhã và phẫn nộ mãnh liệt trong thâm tâm, bị mắc kẹt trong đó suốt cuộc đời và không thể tự thoát ra được.

Ở đây, tôi phải tạm gác lại những lý thuyết tâm lý nghiêm ngặt và nghiêm túc tỏ rõ quan điểm của mình: Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác thực sự!

Ceci Từ Vũ/Nanubooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây