Hai anh em Vi Văn Sinh (SN 2006) và Vi Thị May (SN 2009, cùng trú bản Bà, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi mẹ mất, bố đi cai nghiện, các em nương nhờ ông bà già yếu. Cách đây 3 tháng, bà của các em qua đời. Chỗ dựa duy nhất còn lại là ông nội Vi Văn Quỳnh năm nay đã ngoài 80 tuổi, đang mắc bệnh nặng.
Ông Quỳnh lo lắng cho tương lai mịt mờ của 2 đứa cháu.
Trong căn nhà được quây bằng những lớp phên nứa đan lại với nhau, ông Quỳnh nằm co ro trên giường chịu cơn đau hành hạ. Mang trong mình căn bệnh tiểu đường biến chứng, các khớp liên đốt ngón tay sưng phù khiến việc vận động của ông gặp rất nhiều khó khăn.
Thấy khách đến nhà, 2 đứa trẻ ngơ ngác nhìn nhau rồi đỡ ông ngồi dậy tiếp chuyện.
Cám cảnh ông nội già yếu lo 2 cháu đói ăn, thất học
“Mẹ chúng nó mắc bệnh hiểm nghèo, không có tiền chữa bệnh nên mất khi đứa thứ hai (em May - PV) còn đang tập đi. Chúng nó quá nhỏ, chưa hiểu nỗi đau mất người thân", ông Quỳnh thều thào.
Con dâu mất, con trai sa vào nghiện ngập rồi được đưa đến trung tâm cai nghiện gần nhà. Từ đó, vợ chồng ông Quỳnh đảm nhận vai trò người cha, người mẹ để chăm sóc, dạy bảo hai cháu. Cách đây gần 3 tháng, do tuổi cao, sức yếu, bà đã ra đi mãi mãi.
Tâm sự chưa lâu, hai đứa trẻ vội chạy xuống gian bếp thổi lửa nấu cơm. Nghiêng hũ đựng gạo, Sinh cho biết, đây là những hạt gạo cuối cùng trong nhà.
Ngồi bên bếp, Sinh ngập ngừng nói, nhà không thể trang trải chi phí ăn học cùng lúc cho cả hai nên đầu năm học này, em phải nghỉ học, xem ai thuê gì thì làm nấy.
“Sáng sớm, nhìn các bạn trong bản đi học qua ngõ thích lắm, ai cũng cười. Ước gì em cũng được đi học trở lại…”, Sinh nói nhỏ.
Bữa cơm tối nay của gia đình chỉ đơn giản là đĩa rau luộc cùng ít muối trắng.
Những tia sáng xuyên qua lỗ rách trên tấm phên khiến ngôi nhà thêm phần hiu hắt
Những ngày không có bố mẹ ở bên, cũng may bà con dân bản thương tình, người cho bó rau, người cho bát gạo, nhờ đó 3 ông cháu rau cháo qua ngày. Thế nhưng, cũng có những bữa 2 anh em nhịn ăn, rủ nhau đi chơi cho quên cơn đói cũng không ai biết.
Khi được hỏi về mơ ước của mình, Vi Thị May nghẹn ngào: “Hoàn cảnh của gia đình em rất khó khăn, ông già lắm rồi, chỉ mong ông thật khỏe để em thực hiện được tâm nguyện của ông là cố gắng học giỏi, trở thành người có ích”.
Bà Lộc Thị Khăm, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Bà (xã Hữu Kiệm) cho biết, với tinh thần tương thân, tương ái, chi hội phụ nữ bản đã kêu gọi chị em quyên góp ủng hộ về vật chất và tinh thần, mỗi người một ít để giúp đỡ gia đình ông Vi Văn Quỳnh. Đồng thời cắt cử hội viên thường xuyên đến động viên, hỏi thăm các cháu.
Rời ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Quỳnh, mọi người không khỏi xót xa và lo lắng, thương cảm cho hoàn cảnh 3 ông cháu, không biết tương lai bọn trẻ sẽ ra sao khi mẹ mất, bố đi cai nghiện, ông nội già yếu. Chúng cần lắm sự cưu mang, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.
Trần Văn Tuyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn