Đi trong hương dẻ

Chủ nhật - 24/09/2023 21:15
 

Khi những cơn gió lạnh tràn về se sắt, sương mù ôm phủ núi rừng lại là mùa cây dẻ ra hoa. Từng nụ hoa dẻ nở bung trên ngọn cây bé xíu như những bông hoa tuyết trắng phau. Ông Kiên vừa nhấp ngụm trà nhài ban sáng vừa đưa mắt nhìn về phía rừng dẻ trước nhà. Cả rừng dẻ thổi bùng lên một màu trắng tinh khiết của hoa ẩn hiện trong bảng lảng sương tan như thể đêm qua tuyết mới rơi, còn đọng lại chút bông tuyết kiêu kỳ trên những ngách lá xanh thẫm.

Ảnh minh họa.

Vẻ đẹp bốn mùa của núi rừng như đã ngấm vào máu thịt ông, nhưng ông vẫn thích nhất là những vạt rừng thơm lừng, lóng lánh vào mùa hoa dẻ, hứa hẹn một mùa bội thu cho người dân nơi đây.

* * *

Ông nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên đến với rừng dẻ, cũng đúng vào mùa cây dẻ trổ bông trắng ngần. Năm đó, ông Kiên mới chỉ là chàng trai 17 tuổi từ dưới xuôi lên vừa bước chân vào quân ngũ. Trong một lần đơn vị hành quân qua rừng chiều, Kiên ngỡ ngàng đến ngây người trước vẻ đẹp ngây ngất của vạt rừng phủ hoa trắng xóa. Hỏi ra mới biết đó là rừng dẻ. Hạt dẻ thì anh cũng đã được ăn một đôi lần nhưng giờ mới biết hoa của nó lại đẹp xao xuyến đến thế.

Chiều đó, đơn vị dừng chân ngay dưới những gốc dẻ già xù xì tỏa hương thơm dìu dịu. Ai cũng khoan khoái hít hà hương thơm của núi rừng xua tan cái hanh hao, buốt giá và cả nỗi nhớ nhà chiều cuối đông. Sau khi dựng xong lán trại, lều võng, Kiên tranh thủ rảo bước quanh rừng dẻ. Kiên có dáng người mảnh khảnh với nước da trắng được thừa hưởng từ mẹ mà đến các cô gái cũng phải ghen tị. Sau vẻ ngoài điển trai ấy là một con người sống rất nội tâm, tình cảm. Anh thầm nghĩ trong đầu: “Thật tiếc, mẹ và các chị ở nhà không được ngắm rừng dẻ đẹp đến mê hoặc này.”

Bất thình lình một cảm giác buốt nhói và có cái gì cuộn quàng nơi cổ chân. Theo phản xạ, Kiên giật mình đá mạnh chân về phía trước, một tiếng “xoạt” văng vào bụi cây dương xỉ gần đó, anh vẫn kịp nhận ra đó là một con rắn. Kiên hoảng hốt, run sợ bởi trước đó đã được cảnh báo hành quân trong rừng có rất nhiều rắn độc. Máu rỉ ra từ chỗ những vết răng.

Ngay lập tức anh được đồng đội sơ cứu và đưa về trạm y tế cách đó chừng 3 cây số. Trên đường đi, đại đội trưởng lo lắng liên tục quan sát, hỏi han tình trạng sức khỏe của anh. Dù rất sợ nhưng anh vẫn nhoẻn miệng cười trấn an mọi người. Ông Tâm là y sĩ trực ở trạm lúc đó với kinh nghiệm gần 60 năm sinh ra, lớn lên và gắn bó với núi rừng đã nhận định rằng không đáng ngại bởi nhìn vết răng cắn cho thấy đây không phải là loài rắn độc.

Bấy giờ, Kiên và mọi người mới thở phào, bình tĩnh trở lại. Nhưng anh vẫn được giữ lại trạm để tiếp tục điều trị và theo dõi. Biết cậu lính trẻ măng chưa ăn uống gì, ông vội chạy về nhà bảo cô con gái nấu cơm rồi mang ra cho anh. Miên - con gái ông Tâm cũng chạc tuổi Kiên, khi đó đang học y sĩ ở dưới tỉnh vừa hay hôm đó cũng về thăm nhà.

Họ gặp nhau như mối nhân duyên trời định. Sau lần gặp gỡ ấy, thỉnh thoảng cuối tuần được đi tranh thủ, Kiên lại lên thăm Miên. Họ đi bên nhau trong hương dẻ dịu ngọt, trắng ngần ngây ngất. Theo lời Miên, không biết những cây dẻ có mặt trên mảnh đất này từ bao giờ, chỉ biết những người già ở đây kể lại rằng chính những vạt rừng dẻ này đã cứu đói và là nơi sơ tán, trú ẩn cho biết bao thế hệ bộ đội và nhân dân trong những năm tháng kháng chiến ác liệt.

Trong những lần ngồi trò chuyện với ông Tâm, Kiên cảm nhận được những đau đáu trong lòng ông mỗi khi nhắc tới rừng dẻ. Ông dẫn anh đi tham quan khắp rừng dẻ rồi say sưa kể những câu chuyện gắn bó với rừng dẻ từ tấm bé. Trước kia, rừng dẻ lan xuống tận chân núi, do cái đói, cái nghèo bủa vây khiến người dân lũ lượt kéo nhau vào rừng dẻ chặt phá để lấy củi đem bán, hay chuyển đổi cây trồng sang trồng sắn, khoai, bạch đàn.

Những người còn thiết tha gắn bó với cây dẻ như ông Tâm chẳng còn nhiều, đa phần đều đã già cả hết rồi nên cũng không thể làm gì được nhiều để giữ rừng. Từ lúc đó, Kiên đã ấp ủ một dự định trong đầu sẽ làm điều gì đó để có thể bảo vệ rừng dẻ quý giá này. Sau khi xuất ngũ, Kiên xin phép hai bên gia đình được cưới Miên và về sinh sống trên mảnh đất này.

Khi đó, quyết định dời phố lên rừng của anh gặp phải sự phản đối rất dữ dội từ phía cha mẹ và anh chị em bởi biết bao dự định, kế hoạch cho tương lai của anh đã được gia đình xếp đặt sẵn. Hơn nữa, một chàng trai thư sinh như anh thì có thể làm được gì giữa chốn rừng thiêng nước độc ấy. Mẹ anh giận suốt mấy ngày không ăn, không nhìn mặt. Cuối cùng, được chồng động viên, bà cũng đành ngậm ngùi đồng ý, thôi thì xem đó như là một thử thách.

- Nếu thấy vất vả quá thì đưa vợ con về dưới này sinh sống con nhé.

Bà dặn đi dặn lại, còn bắt con trai phải hứa lên hứa xuống mới yên tâm. Khi đó, cũng không ai nghĩ rằng anh có thể trụ lại được trên mảnh đất đó và gắn bó cho tới tận bây giờ. Thấm thoắt mới đó đã hơn 40 năm. Trên đôi bàn tay của chàng trai trắng trẻo thư sinh ngày nào, giờ trở nên thô ráp, gân guốc, rắn rỏi và chằng chịt những vết sẹo, những nốt chai sần cho thấy không ít những nhọc nhằn, vất vả. Đứa cháu ngoại mỗi lần về thăm ông lại áp đôi má vào lòng bàn tay thô ráp ấy rồi dẻo miệng nói:

- Mẹ con bảo, bàn tay của ông ngoại là đẹp nhất.

Ông bật cười, nhìn lại màu thời gian in hằn trên đôi tay. Năm đó, với quyết tâm bảo vệ và tái sinh rừng dẻ, chính quyền địa phương đã ra quyết định cấm cửa rừng, không cho người dân chặt phá rừng dẻ, đồng thời còn lập ra một tổ bảo vệ rừng. Sau khi làm đám cưới với Miên, Kiên lập tức xung phong tham gia tổ bảo vệ rừng. Dù biết công việc này rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nhiều khi bị đe dọa cả tính mạng, thế nhưng anh chẳng nề hà, quyết tâm bảo vệ từng cây dẻ.

Ông Tâm hãnh diện ra mặt về chàng con rể này, trong mắt ông ánh lên niềm hy vọng thế là rừng dẻ được cứu rồi. Hằng ngày, Kiên cùng các thành viên trong tổ băng rừng, lội suối, nhiều hôm mưa lũ kéo về bất thình lình phải tá túc trong rừng vài ngày. Đói rét, muỗi, vắt, rắn, rết... đủ cả cũng chẳng thể khuất phục được chàng trai có ý chí vô cùng mạnh mẽ này.

Mỗi sáng được vợ chuẩn bị cho cặp lồng cơm cùng một bình nước thế là đủ, cũng có khi chỉ cần vài ba mẩu lương khô. Miên khi đó làm y tá ở trạm y tế, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hai vợ chồng tranh thủ tăng gia sản xuất thêm ở nhà. Ba đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống càng thêm bận rộn. Anh động viên vợ chịu khó vài năm rồi mọi thứ sẽ ổn.

Vất vả, cực nhọc cũng không làm anh nản lòng, bao tâm huyết đều gửi gắm vào rừng dẻ. Những lúc không phải đi rừng, anh lại lặn lội đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con hiểu được những lợi ích lâu dài mà rừng dẻ mang lại để họ không tàn phá nữa. Mọi người lúc đầu còn hoài nghi về sự nhiệt tình của anh như thể có lợi ích riêng gì đó, nhưng sau lần anh dũng cảm đứng ra bảo vệ rừng dẻ trước một nhóm người đến chặt phá thì họ đã hiểu rõ hơn tấm chân tình anh dành cho mảnh đất này.

Lần đó, nghe thành viên trong tổ báo về có nhóm người rất hung hãn đang chặt phá rừng dẻ đem đi đốt để lấy than, anh lập tức lao vào rừng. Không đợi anh nói hết lý lẽ, nhóm người manh động sẵn dao rựa đã thẳng tay tấn công anh em trong tổ bảo vệ rừng. Kiên xông lên che chắn, bảo vệ cho anh em nên thành ra bị thương nặng nhất, nằm gục tại chỗ.

Vợ anh đang trực ở trạm nghe được thông tin liền xách theo túi thuốc cùng cán bộ xã và rất đông người dân hớt hải băng rừng tìm kiếm. Chị rụng rời tay chân khi chứng kiến chồng mình máu chảy thấm đẫm cả chiếc áo khoác bên ngoài. Cũng may những vết thương không nguy hiểm đến tính mạng, anh dần hồi phục. Quá sợ hãi, Miên ra sức khuyên chồng từ bỏ công việc nguy hiểm này, nhưng anh nhất định không nghe.

- Mình đã theo thì phải theo đến cùng. Bỏ cuộc giữa chừng thì còn ai muốn giữ rừng nữa.

Sau lần đụng độ ấy, anh trở nên nổi tiếng khắp bản làng. Đi đến đâu người ta cũng kể chuyện anh đã dũng cảm đứng ra bảo vệ rừng dẻ, bảo vệ anh em trong đội. Bị thuyết phục bởi hành động đẹp đó của anh mà người dân trong xã và cả vùng lân cận đã ý thức tự giác bảo vệ rừng. Không phụ công người, theo thời gian, từ những gốc dẻ xù xì cằn cỗi, muôn ngàn mầm non đã trỗi dậy và hồi sinh mạnh mẽ, phủ xanh khắp các vạt rừng.

Khi thấy rất nhiều cây con mọc lên, bà con tập trung san tỉa, đem trồng ra chỗ khác để mở rộng thêm địa bàn. Cây dẻ cứ thế lớn dần theo năm tháng trong sự kiên nhẫn, bền bỉ và đầy hy vọng của tất thảy mọi người, có những cây già một vòng tay người lớn ôm không hết. Cũng dưới tán dẻ này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, thậm chí đổi đời. Rừng dẻ không chỉ đem lại kinh tế mà còn giúp giữ đất, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước và ngăn dòng lũ lụt.

Nhờ vậy mà từ khi rừng dẻ hồi sinh, cuộc sống của dân làng trở nên bình yên hơn hẳn. Họ coi rừng dẻ không khác gì sinh mệnh của mình và thầm ghi nhớ công lao to lớn của ông Kiên cùng các thành viên tổ bảo vệ rừng đã miệt mài mấy chục năm không ngơi nghỉ. Không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của họ đã thấm vào đất rừng, giờ đây những vết thương trên da thịt cũng không thể nào đếm xuể.

Người dân yêu mến gọi ông bằng cái tên rất thân thương: Ông Kiên “rừng”. Mới đầu chưa quen, ông cười cười vì thấy vui tai. Về sau ông lại đâm ra thích cái tên này. Cũng phải thôi bởi ông yêu rừng như chính máu thịt của mình. Đã ngoài 60 tuổi nhưng đôi chân ông vẫn băng rừng thoăn thoắt, thanh niên trong xóm theo kịp được ông còn khó.

* * *

Đám con cháu vẫn chăm chú nghe ông kể chuyện về rừng dẻ. Ngoài kia, từng chùm, từng chùm hoa dẻ nở trắng xóa, ken dày như mâm xôi, nổi bật giữa không gian chênh vênh của núi rừng. Ông thích thứ hương thơm dịu nhẹ của hoa dẻ theo gió phảng phất ghé thăm, nó đem lại cho con người cảm giác thật yên bình. Ông lại tiếp tục giảng giải cho con cháu về những đặc tính của cây dẻ như thể sợ đám trẻ sẽ dần mai một hết những kiến thức về loài cây quý này.

Trải qua mưa xuân, nắng hạ rồi gió thu, những hạt dẻ tròn xoe đen nhánh mới bắt đầu cựa mình tách khỏi lớp vỏ xù xì mà rơi xuống cho một mùa thu hoạch mới. Phải chăng chính do nếm trải đủ mọi nắng gió và sương giá nên hạt dẻ mới mang trong mình hương vị dẻo thơm, bùi bùi đặc trưng đến vậy.

Truyện ngắn của Việt Nga

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây