Ukraine có thể thở phào với gói viện trợ gần 61 tỉ từ Mỹ?

Thứ sáu - 26/04/2024 06:00
 

Ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD, trong đó có gần 61 tỉ USD viện trợ Ukraine. Động thái này diễn ra ngay sau khi lưỡng viện của Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ này, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky mô tả động thái trên là quyết định “giúp lịch sử đi đúng hướng” và “đặt dấu chấm hết” cho cuộc chiến của Nga.

Câu hỏi nhiều người quan tâm lúc này là gói viện trợ khổng lồ này sẽ đến Ukraine như thế nào và liệu nó có giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường như ông Zelensky kỳ vọng?

Tổng quan về gói viện trợ

Theo tờ The Guardian, đạo luật viện trợ mà Mỹ vừa thông qua trị giá 95 tỉ USD, trong đó bao gồm 60,7 tỉ USD cho Ukraine, 26,4 tỉ USD cho Israel và hơn 8 tỉ USD cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong số tiền gần 61 tỉ USD cho Ukraine, Mỹ sẽ sử dụng 23 tỉ USD để bổ sung vào kho dự trữ quân sự của Mỹ nhằm hướng tới việc chuyển giao vũ khí Mỹ cho Ukraine trong tương lai. 14 tỉ USD trong gói này sẽ được Mỹ chuyển cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép Lầu Năm Góc trực tiếp mua các hệ thống vũ khí tiên tiến từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ gửi cho quân đội Ukraine.

Ngoài ra, hơn 11 tỉ USD sẽ được dùng để tài trợ cho các hoạt động của Mỹ trong việc nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington. Khoảng 8 tỉ USD sẽ được phân bổ cho các hỗ trợ phi quân sự, chẳng hạn giúp chính phủ Ukraine tiếp tục các hoạt động cơ bản như thanh toán lương. Còn lại là các khoản hỗ trợ để Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng.

Theo giới quan sát, các hỗ trợ của Mỹ có thể chuyển tới Ukraine trong vòng vài ngày sau khi Tổng thống Biden ký luật, vì Washington có một mạng lưới rộng khắp các kho vũ khí ở cả Mỹ và châu Âu.

Một quan chức quân sự Mỹ hôm 21-4 đã nói với The Guardian rằng Mỹ sẽ có thể gửi đạn 155 mm cùng các loại đạn pháo và đạn phòng không tới Ukraine “gần như ngay lập tức”. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc - Chuẩn tướng Pat Ryder đã ngầm xác nhận thông tin này.

“Chúng tôi có một mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ cho phép chúng tôi di chuyển vật tư rất nhanh chóng chỉ trong vòng vài ngày” - ông Ryder nói với phóng viên hồi tuần trước.

Gói viện trợ sẽ thay đổi cục diện chiến trường?

Tác động đầu tiên từ gói viện trợ của Mỹ chính là giúp Ukraine tạm thời vượt qua cơn khó khăn về vũ khí, đặc biệt sự thiếu hụt về hệ thống phòng không trong bối cảnh Nga tăng cường các mối đe dọa trên bầu trời Ukraine. Tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết Nga đã tấn công Ukraine bằng 1.200 tên lửa, hơn 1.500 máy bay không người lái (UAV) và 8.500 quả bom dẫn đường chỉ trong vài tháng đầu năm nay.

Binh sĩ Ukraine tham chiến ở TP Lyman, tỉnh Donetsk (miền Đông Ukraine). Ảnh: ANADOLU AGENCY

“Điểm mấu chốt là nguồn tài trợ này có lẽ chỉ có thể giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay để bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động vào năm 2025” - theo chuyên gia Matthew Savill tại Viện nghiên cứu quốc phòng Royal United Services Institute (RUSI, Anh).

Ông Ben Hodges - cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho rằng “có thể phải mất vài tuần nữa mới thấy được những tác động đáng kể của gói viện trợ trên chiến trường”. Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại bi quan hơn khi cho rằng gói viện trợ này là chưa đủ nên khó có thể dẫn đến những thay đổi trên thực địa.

“61 tỉ USD sẽ không thay đổi được kết quả của cuộc chiến này. Để thay đổi, cần rất nhiều tiền. Và số tiền cụ thể đã được Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny tiết lộ trước khi bị cách chức: Cần gấp năm đến bảy lần số tiền đó, tương đương 350 - 400 tỉ USD” - ông Nicolai Petro, GS Khoa học Chính trị tại ĐH Rhodes (Mỹ) nói với tạp chí The American Conservative. Ông Petro cũng lưu ý rằng có khả năng những gói viện trợ về sau của Mỹ sẽ có giá trị nhỏ hơn.

Chưa dừng lại ở đó, một số chuyên gia còn cho rằng ngay cả khi gói viện trợ này cung cấp đủ số tiền cần thiết, cũng không có sẵn số lượng lớn vũ khí như vậy để Washington có thể mua và chuyển giao cho Kiev. Ông Daniel Davis - Đại tá quân đội Mỹ đã về hưu và là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc phòng Defense Priorities (Mỹ) nêu quan điểm: “Ngay cả khi có tiền, cũng không có số lượng đạn pháo, tên lửa phòng không nhiều như vậy. Bạn không thể chế tạo đạn pháo nhanh hơn nữa được. Đó là vấn đề về khả năng, chúng ta không thể thay đổi”.

Thêm vào đó, trong trường hợp phương Tây gia tăng sản xuất vũ khí để cung cấp cho Ukraine, câu hỏi mới đặt ra là liệu số vũ khí có chuyển giao đến Kiev kịp thời hay không. Đại tá Không quân Mỹ đã về hưu Bruce Slawter cho rằng “bất kỳ khoản tài trợ bổ sung nào cho Ukraine sẽ mất nhiều tháng, một năm hoặc hơn thế nữa” và số viện trợ này “có thể đã quá muộn” nếu Nga phát động cuộc tấn công vào mùa hè này như Ukraine dự đoán.

Giả sử phương Tây có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine đúng thời hạn, các chuyên gia cho rằng Kiev cũng không đủ nhân lực để sử dụng các vũ khí này sau những tổn thất lớn trên chiến trường.

Vì thế, chuyên gia Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Á - Âu tại Viện Quincy (Mỹ) cho rằng “61 tỉ USD sẽ không thay đổi kết quả của cuộc chiến, vốn đang có lợi cho Nga".

"Điều tốt nhất mà gói viện trợ có thể làm là giúp Ukraine bảo vệ các tuyến đường hiện có. Gói này không thể giúp Ukraine vượt qua phòng tuyến của Nga và giành lại khu vực đã mất do sự mất cân bằng về quân số và đạn dược giữa hai bên hiện nay” - theo ông Lieven.

THẢO VY

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây