Từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ - Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ hai - 06/05/2024 18:00
 

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình), tỉnh Cao Bằng.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hoạt động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”, “phải đánh thắng trận đầu”. Ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, đánh đồn Phai Khắt. Ngày hôm sau (26-12-1944), đánh đồn Nà Ngần (Nguyên Bình, Cao Bằng). Ta tiêu diệt gọn 2 đồn địch, bắt tù binh, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở ra truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội ta.

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5.

Từ Phai Khắt, Nà Ngần, 10 năm sau, ngày 7-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, trực tiếp làm phá sản chế độ thực dân cũ ở Đông Dương. Đó là một quá trình xây dựng, chiến đấu liên tục, trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta:

1. Từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ - Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành từ nhỏ đến lớn, từ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đến các đại đoàn chủ lực. Ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị 34 súng, biên chế thành 3 tiểu đội; Chi bộ Đảng có 4 đảng viên. Trong cao trào cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8 năm 1945, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang khác hợp nhất lại thành Việt Nam Giải phóng quân. Việt Nam Giải phóng quân biên chế gồm 13 đại đội, có lãnh đạo, chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới về quy mô tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta. Từ đây, bước đầu hình thành ba thứ quân:

- Các đơn vị Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân hình thành nên bộ đội chủ lực.

- Các đơn vị du kích tập trung của tỉnh, huyện hình thành nên bộ đội địa phương.

- Các đơn vị du kích, tự vệ ở các căn cứ.

Vũ khí trang bị của Việt Nam Giải phóng quân có hàng nghìn khẩu súng, có cả súng máy, cối 60mm, hàng chục tấn đạn các loại lấy được từ quân Pháp, quân Nhật. Ta còn lập các xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí thô sơ để kịp thời phục vụ chiến đấu. Công tác huấn luyện quân sự được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung huấn luyện những động tác cơ bản về đội ngũ, kỹ thuật chiến đấu, cách đánh du kích của cá nhân, tổ, đến cấp đại đội. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Ở đại đội có Ban công tác chính trị. Nội dung học tập chính trị là “Mười lời thề”, “Mười hai điều kỷ luật”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta đồng thời đối phó với “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, Bộ Tổng Tham mưu và các chiến khu được thành lập. Tại Nam Trung Bộ, ngày 16-10-1945, Chiến khu 5 và Chiến khu 6 ra đời. Tháng 10-1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn được thành lập ở các chiến khu.

Cuối năm 1945, cả nước có 40 Chi đội Vệ quốc đoàn, số lượng bộ đội 50.000 người. Quân số tăng gấp 10 lần chỉ sau vài tháng. Số lượng đảng viên trong các đơn vị cũng tăng lên nhanh chóng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân đều có bước phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức biên chế, quân số, vũ khí trang bị, huấn luyện, kỹ chiến thuật. Tháng 1-1946, Quân ủy Trung ương được thành lập. Ngày 22-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33/SL quy định cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân toàn quốc. Tính chính quy của một quân đội kiểu mới bước đầu được thực hiện. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam - quân đội chính quy của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Các Chi đội Vệ quốc đoàn được cải tổ thành các 32 trung đoàn và các tiểu đoàn độc lập. Các quân chủng, binh chủng, bộ đội chuyên môn từng bước được xây dựng, phát triển. Giữa năm 1946, ta thành lập các đại đoàn, sau đó giải thể, để lại nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các đại đoàn về sau. Đến ngày 28-8-1949, Đại đoàn Bộ binh 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được thành lập. Năm 1950, Quân đội quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày nay.

Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội ta có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công pháo (351); các trung đoàn thuộc các liên khu; lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích rộng khắp. Từ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đến Việt Nam Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Quân đội quốc gia Việt Nam, đến Quân đội nhân dân Việt Nam là một quá trình phát triển ngày càng chặt chẽ về lãnh đạo chỉ huy, hoàn thiện về tổ chức biên chế, lớn mạnh về quân số, hiện đại về vũ khí trang bị. Sự phát triển vượt bậc ấy gắn liền với những thắng lợi to lớn trên chiến trường, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

2. Từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ - Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành vượt bậc về kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật chiến dịch và chiến lược. Trong trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân sử dụng hình thức chiến thuật phục kích kỳ tập, tiến hành rất bí mật, bất ngờ, lực lượng tuy ít nhưng đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Thực tế, do lực lượng và vũ khí trang bị của ta lúc này còn khiêm tốn, nên ta chỉ có thể tiêu diệt những đồn nhỏ của địch; thực hiện thu vũ khí của địch để xây dựng, phát triển lực lượng ta. 10 năm sau (1954), Quân đội ta tổ chức tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một trong những tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương, được Pháp xem là “pháo đài bất khả xâm phạm”, sẵn sàng “nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương”. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có đến 12 tiểu đoàn bộ binh và dù, 2 tiểu đoàn pháo 120 mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120 mm (20 khẩu), 1 đại đội pháo 155 mm (4 khẩu), 1 đại đội xe tăng (10 chiếc), 17 máy bay các loại; tổng quân số 16.200 quân.

Nếu như lực lượng ta đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần có khoảng 50 người, thì trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta sử dụng 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn Bộ binh 57/Đại đoàn Bộ binh 304, Đại đoàn Công pháo 351, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y... Quân số chủ lực hơn 40.000 người, dân công hỏa tuyến 261.500 người. Phương tiện vật chất huy động: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền, hàng chục tấn vũ khí, đạn.

Quyết định điều các đại đoàn chủ lực lên Tây Bắc, buộc quân Pháp phải chấp nhận quyết chiến với ta tại Điện Biên Phủ, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm cao từ Trung ương đến từng cán bộ, chiến sĩ. Thực dân Pháp âm mưu tập trung lực lượng, tạo quả đấm thép, ra sức bình định vùng tạm chiếm, làm bàn đạp tiến công càn quét vùng tự do, tiến tới thực hiện đòn tiến công chiến lược, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho chúng. Ta đã đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch; chủ lực ta tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ mỏng, yếu của địch, buộc địch phải phân tán lực lượng ra đối phó, bắt địch phải đánh theo cách của ta.

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta".

Trên địa bàn Liên khu 5, quân Pháp tiến hành cuộc hành quân Át-lăng càn quét vào Phú Yên; Liên khu ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định đưa chủ lực đánh lên Kon Tum, trong một đêm đã đập tan cụm phòng ngự then chốt của quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên (Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy), sau đó giải phóng tỉnh Kon Tum, phá vỡ thế trận của địch, buộc địch phải dừng cuộc hành quân Át-lăng, đưa quân lên giữ Tây Nguyên. Quân Pháp từ chỗ tranh thủ tiến công để giành thế chủ động phải chuyển sang bị động phòng ngự, từ chỗ chiếm toàn bộ Tây Nguyên nay phải co cụm chỉ mong giữ được Nam Tây Nguyên. Cả thế và lực của quân Pháp đều thất bại. Quân và dân Liên khu 5 tích cực “chia lửa” với chiến trường chính Bắc Bộ, phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Ta đã tổ chức phối hợp tác chiến giữa các chiến trường một cách nhịp nhàng, căng kéo địch để tiêu diệt. Tại mặt trận Điện Biên Phủ, ta “đánh chắc, tiến chắc”.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch. Đặc biệt, trong chiến dịch này, lực lượng pháo binh phát huy tối đa vai trò, sức mạnh hỏa lực. Ta chủ động xây dựng lực lượng pháo binh vững mạnh, bố trí đội hình hiểm hóc, chắc chắn, hình thành thế vây hãm quân địch trong suốt quá trình chiến dịch, sử dụng pháo binh tập trung, có trọng điểm, phát huy hiệu quả uy lực của từng loại pháo. Sự xuất hiện của lựu pháo 105mm làm quân địch khiếp sợ, nhanh chóng tan rã. Bộ đội pháo binh “chân đồng, vai sắt” đã làm nên những kỳ tích phi thường. Nhìn lại vũ khí trang bị của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có 34 khẩu súng càng thấy rõ sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của lực lượng vũ trang ba thứ quân. Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa tác chiến du kích với tác chiến tập trung của các đại đoàn chủ lực.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đánh giá về sự trưởng thành của ba thứ quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sau những lớp chỉnh huấn, Quân đội ta đã tiến bộ khá, điều đó được tỏ rõ trong những thắng lợi vừa qua. Quân đội ta đã tiến bộ nhiều về tinh thần, về chiến thuật cũng như về kỹ thuật. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ. Du kích, vận động, công kiên bộ đội ta đều đánh khá, ở vùng đồng bằng, trung du, miền núi họ đều đánh được, cán bộ cũng như chiến sĩ đều tiến bộ. Toàn thể quân đội đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.”

Từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ - chặng đường 10 năm trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta; từ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân với 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị 34 súng, Chi bộ Đảng có 4 đảng viên, đến 7 đại đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích rộng khắp, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, quản lý được tổ chức chặt chẽ, từ Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng xuống các đơn vị cơ sở. Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã xây dựng, phát huy mạnh mẽ vai trò của lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp.

Truyền thống và kinh nghiệm xây dựng Quân đội tiếp tục được kế thừa và nâng lên tầm cao mới, tiến hành xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, thực hiện “người trước súng sau”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, bảo đảm đủ khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời bình và khi xảy ra chiến tranh, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trung tướng THÁI ĐẠI NGỌC, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây