Rủi ro mới của EU: Từ chối 'yêu' Nga, đặt cược hết vào Mỹ, nguồn năng lượng mới của châu Âu có thật an toàn?

Thứ bảy - 06/04/2024 16:20
 

Rủi ro mới của EU: Từ chối 'yêu' Nga đến với Mỹ, nguồn năng lượng mới của châu Âu có thật sự an toàn? Trong ảnh: Một kho cảng xuất khẩu LNG ở Nam Texas. (Nguồn: Storage Terminals)

Vào những ngày nhiều mây, từ ngôi nhà của mình, anh John Beard có thể nhìn thấy những quầng ánh sáng bừng lên từ một vùng trời tối tăm, nhiều tia sáng lấp lánh phát ra từ những nhà máy nhiên liệu hóa thạch xa xa - nơi anh từng kiếm sống bằng nghề kỹ thuật viên.

Nhưng việc xả khí thải ra môi trường đang như một lời cảnh báo thường trực về một ngành công nghiệp đang thống trị cuộc sống của Beard và những người hàng xóm của anh ở Port Arthur, Texas - nơi cứ bốn người thì có một người sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ mắc bệnh ung thư và bệnh tim, phổi cao hơn nhiều so với mức trung bình của tiểu bang. Nhiều người dân địa phương cho rằng, chính những ống khói đen nằm rải rác ở phía chân trời là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

“Texas được biết đến với hai thứ: thịt nướng và gas”, Beard nói. “Tiền đang được tạo ra ở nơi đây, nhưng những người thật sự có tiền trông không giống tôi và họ cũng không sống ở Port Arthur”.

Texas được mệnh danh là “Lone Star State (Bang Ngôi sao cô độc)” là nơi sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất nước Mỹ, phần lớn thành phẩm được chuyển đến châu Âu.

EU lại "đặt cược lớn"

Chẳng có gì đáng chú ý đối với EU, nếu đây không phải là nơi khởi đầu cho một phong trào phản kháng ngày càng mạnh mẽ – người dân sinh sống ở Lone Star State đang gây áp lực buộc Washington phải giảm bớt những hoạt động xuất khẩu LNG để bảo vệ môi trường.

Trước cuộc bầu cử căng thẳng vào tháng 11/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tạm dừng phê duyệt các dự án LNG mới, “đóng băng”, không mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu ở nước Mỹ, nhằm thu hút các cử tri quan tâm đến vấn đề khí hậu.

Trong khi các nhóm bảo vệ môi trường ca ngợi quyết định này, thì người châu Âu bắt đầu lo lắng về nguồn cung bị thắt chặt và giá cả tăng cao.

Trở lại năm 2022 - khi EU "đặt cược lớn" vào LNG của Mỹ, sau khi chọn cách tránh xa nguồn năng lượng Nga giá rẻ, mà họ đã phụ thuộc từ nhiều năm qua. Vì thế, họ cũng chấp nhận chi hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng LNG và ký nhiều hợp đồng mới với người Mỹ.

Nhưng những quyết định đó hiện đang bị đặt dấu hỏi. Phải chăng châu Âu đã đánh đổi sự “phụ thuộc sai lầm vào Nga” để phụ thuộc thiển cận vào Mỹ?

Hiện Mỹ cung cấp gần 50% lượng LNG cho châu Âu - tăng so với khoảng chỉ 25% trước xung đột Nga-Ukraine - và LNG đã vượt lượng khí đốt qua đường ống để trở thành nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất đối với EU.

Một báo cáo gần đây cho thấy, thực tế, nhu cầu LNG của châu Âu vẫn đang tăng lên.

“Đã từng trải qua sự nguy hiểm, đe dọa an ninh nguồn cung năng lượng, do phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn Nga, châu Âu phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ và tránh trở nên quá phụ thuộc vào Mỹ”, Nhà phân tích Ana Maria Jaller-Makarewicz tại Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng cảnh báo.

Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine hơn 2 năm trước, EU và Anh đã “chạy đua” để thay thế khí đốt của Moscow - phần lớn được vận chuyển qua các đường ống xuyên lục địa, bằng các chuyến hàng LNG của Mỹ qua đường biển.

Ngày nay, năng lượng từ Port Arthur của Mỹ, chứ không phải Siberia của Nga mới là nguồn “sưởi ấm” các ngôi nhà và “nuôi” các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu - một cách mà người châu Âu đã lựa chọn để ngăn chặn thảm họa nếu Moscow tắt các vòi cung cấp khí đốt.

Đó là lý do tại sao quyết định của Tổng thống Biden nhằm “đóng băng” sản lượng LNG ở mức hiện tại, đã khiến ngành công nghiệp châu Âu lo lắng. Ngay cả khi các quyết định này nếu được kéo dài sau cuộc bầu cử - sẽ chỉ được cảm nhận sau 10 đến 15 năm nữa.

Hiệp hội Thương mại EuroGas đã viết thư cho Nhà Trắng kêu gọi đảo ngược, cảnh báo về việc quay trở lại “mức giá cao kỷ lục do thiếu hụt nguồn cung năng lượng Nga”.

Bức tranh hỗn tạp ở châu Âu

Sau khi xung đột Nga-Ukraine khởi phát, các công ty châu Âu nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng cảng và xây dựng các nhà máy tái hóa khí - biến khí lỏng trở lại dạng có thể sử dụng được - lên kế hoạch nhập khẩu dài hạn từ Mỹ.

Song song đó, các công ty châu Âu cũng đã ký rất nhiều hợp đồng LNG ngắn hạn với các công ty Mỹ. Việc này mang lại khả năng điều tiết nguồn cung một cách linh hoạt, khi các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực ngày càng gia tăng; nhưng cũng đồng nghĩa mục tiêu đảm bảo mức giá thấp “phá sản” và khó khăn hơn trong hoạch định nguồn năng lượng sau 5 hoặc 10 năm nữa.

Chủ tịch Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu Torben Brabo, cũng là đại diện cho các nhà khai thác và ngành công nghiệp trên khắp lục địa, tỏ ra khá tin tưởng vào cách làm này, cho biết: “Chúng tôi không lạc quan, nhưng tôi có thể nói rằng so với thời điểm hai năm trước, chúng tôi ít nhất đang ở trạng thái trung lập”.

Nhưng tại một hội nghị dầu khí lớn ở Houston vào tháng trước, chính các ông chủ năng lượng Mỹ, bao gồm Phó chủ tịch John Ardill của ExxonMobil - công ty muốn bắt đầu khoan khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, đã cảnh báo châu Âu rằng, họ phải trở nên tự chủ hơn. “Việc chuyển hướng sang LNG và xây dựng các nhà ga (tái khí hóa) không phải là giải pháp lâu dài”.

Những vấn đề thực tế đang vẽ nên một “bức tranh hỗn tạp” và sự lựa chọn của châu Âu về nguồn cung năng lượng cho hiện tại và tương lai đã tạo ra nhiều luồng ý kiến. Trong khi, các nhà vận động khí hậu EU cho biết, họ nghi ngờ cả hai lựa chọn - Phải đảm bảo có thêm LNG từ Mỹ và đẩy mạnh sản xuất khí đốt tự nhiên tại khu vực.

Người thực tế như ông Nicolás González Casares - một thành viên từ đảng Xã hội cầm quyền Tây Ban Nha – người giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng LNG quan trọng và cũng là thành viên của Ủy ban Năng lượng thuộc Nghị viện châu Âu, cho rằng, việc phụ thuộc nhiều hơn vào LNG "không phải là một sai lầm", bởi vì "chúng tôi cần nguồn năng lượng này. Ông cũng thẳng thắn cho biết, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga lớn đến mức họ không thể nói không với LNG trong hai năm qua".

Tuy nhiên, ông nói thêm, ưu tiên hiện nay là thay thế khí đốt bằng năng lượng tái tạo. "Chúng tôi thực sự không muốn hoạt động kinh doanh này. Mục tiêu của chúng tôi là có năng lượng sạch ở cả Tây Ban Nha và châu Âu".

Một số đại diện trong ngành này cũng cảnh báo, không nên bỏ nhiên liệu hóa thạch quá nhanh. Họ nhấn mạnh rằng, ngay cả khi theo đuổi chiến lược cắt giảm khí đốt của EU, vẫn cần phải đảm bảo nguồn cung cấp LNG bổ sung, đặc biệt trước áp lực phải thoái vốn khỏi các hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.

Cùng quan điểm trên, Narek Terzian - Người phát ngôn của Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế, lấy dẫn chứng về khoảng cách giữa nhu cầu dự kiến - theo dự báo của EU và nguồn cung thực tế, nếu châu Âu từ bỏ Nga, để khẳng định rằng, “điều cực kỳ quan trọng đối với là châu Âu hiện tại là phải đảm bảo nguồn LNG cần thiết từ Mỹ”.

Theo Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng, nhu cầu khí đốt của châu Âu đạt mức thấp kỷ lục trong thập kỷ qua. Nhưng sự sụt giảm chủ yếu chỉ đến từ ba quốc gia: Đức, Italy và Vương quốc Anh. Nhìn chung, nhu cầu LNG của châu Âu sẽ không đạt đỉnh cho đến năm 2025, nhưng các khoản đầu tư bổ sung của châu Âu vào LNG hiện không giúp hạn chế nguồn cung cấp từ Mỹ.

Trong khi đó, thuộc luồng ý kiến lạc quan nhất, chuyên gia về chính sách khí đốt Esther Bollendorff tại Mạng lưới Hành động khí hậu châu Âu, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự phản đối mạnh mẽ của các nhà hành động môi trường, nhưng có thể họ đã đi quá xa”.

Theo chuyên gia này, châu Âu đã trải qua một “sự thay đổi kiến tạo” kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mức tiêu thụ khí đốt trung bình của EU đã giảm khoảng 1/5. Trong khi, EU đang tăng trưởng đều đặn năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu cắt giảm thêm 30% lượng tiêu thụ khí đốt vào năm 2030.

Ủng hộ quan điểm lạc quan, Brabo - người đứng đầu Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho biết, ngoài Mỹ, họ còn có thể nhận LNG từ các nhà sản xuất như Na Uy hay Qatar. "Về tương lai, các cảng thậm chí có thể được tái sử dụng cho nhiên liệu ít thải carbon hơn. Chẳng hạn, hệ thống này có thể chuyển đổi công năng, để tạo ra khí metan sinh học và hydro xanh", ông Brabo nói thêm.

Đề cập một vấn đề thực tế hơn, nhưng một quan chức cấp cao khác của EU lại kỳ vọng vào một điều do người khác quyết định. “Đối với tất cả các kịch bản giả định, chúng tôi sẽ không cho rằng, Mỹ có thể cắt giảm sản xuất hoặc ngừng cung cấp năng lượng dành cho EU”.

Trên thực tế, chẳng có gì bảo đảm cho điều này, khi cuộc đàm phán của các quan chức thuộc Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ vào tháng trước, tại Washington, vấn đề cấp phép LNG không nằm trong cả chương trình nghị sự chính thức và mở rộng.

Thậm chí, về tương lai, châu Âu tin nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông ấy gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy việc mở rộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên quy mô lớn - như trước đây, Tổng thống Mỹ thứ 45 đã từng lấn lướt mọi vấn đề về khí hậu.

Giới quan sát bình luận, sự bùng nổ sản xuất LNG của Mỹ có thể sẽ khiến giá giảm, khi đó, nó đặc biệt có lợi đối với các hợp đồng ngắn hạn của EU. Nhưng đồng thời đặt ra những câu hỏi không dễ chịu rằng, liệu các quốc gia châu Âu có thật sự đang theo đuổi một chiến dịch bảo vệ môi trường hay không? Và liệu có phải lục địa này đã từ chối Nga kiểm soát thị trường năng lượng của mình, để rồi lại trao nó cho Mỹ?

Trở lại với Texas, "Tôi muốn nói với người châu Âu rằng, họ cần biết loại khí này phải trả giá rất rất cao”, anh John Beard, một cư dân ở Port Arthur, cũng là người có thể liệt kê tên của những hàng xóm mắc các bệnh mãn tính như ung thư và bệnh phổi - "Đủ rồi. Chúng tôi từ chối hy sinh thêm nữa".

(theo politico.eu)

Minh Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây