FSB hôm 10/7 ra thông báo cho biết đã "chặn đứng âm mưu của tình báo Ukraine nhằm thực hiện cuộc tấn công phá hoại tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tại thành phố Murmansk".
FSB cho hay người tự xưng là Oleg, nghi là sĩ quan tình báo Ukraine, đã liên hệ với một quân nhân đang làm việc trên tàu Đô đốc Kuznetsov, và đề nghị người này hợp tác phá hoại tàu sân bay này.
Quân nhân Nga này được hứa hẹn sẽ có một khoản tiền hậu hĩnh và được giúp thoát ra nước ngoài. Bên cạnh đó cũng đe dọa sẽ tố giác người này hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine nếu không hợp tác.
"Oleg chuyển hàng loạt linh kiện để chế tạo thiết bị gây cháy thông qua một công ty vận tải và hậu cần. Anh ta cũng hứa sẽ đưa quân nhân Nga đến Phần Lan sau khi nhận được video xác nhận tàu Đô đốc Kuznetsov bị đốt phá", thông cáo của FSB có đoạn.
Tuy nhiên quân nhân Nga sau đó báo cáo tình hình với FSB của Nga, đồng thời phối hợp để cùng tiến hành chiến dịch phản gián.
Hải quân Nga sau đó tiến hành đợt diễn tập nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng ứng phó hỏa hoạn của thủy thủ đoàn tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, video ghi lại hoạt động này được chuyển cho Oleg dưới danh nghĩa "bằng chứng về cuộc tấn công".
Tuy nhiên không rõ là Oleg đã phát hiện ra sự nghi ngờ hay không, nhưng phía FSB cho biết thêm rằng "sau khi nhận được video, Oleg đã cắt liên lạc với quân nhân Nga và xóa mọi tài khoản dùng để nhắn tin".
Hiện giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin cáo buộc của phía Nga đưa ra.
Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất trong biên chế hải quân Nga, được chế tạo và đưa vào biên chế từ thời Liên Xô.
Nga gọi đây là tuần dương hạm hạng nặng mang được máy bay, nhưng nó thường được coi là tàu sân bay hoàn chỉnh.
Tàu sân bay này được đặt theo tên Đô đốc Hải quân nổi tiếng của Liên Xô là Nikolay Gerasimovich Kuznetsov.
Tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev trên bờ Biển Đen thuộc Ukraina từ năm 1985 nhưng phải đến năm 1995 mới chính thức đi vào hoạt động. .
Tàu Đô đốc Kuznetsov là tuần dương hạm tên lửa hạng nặng mang máy bay (TAVKR) thuộc Đồ án 1143.5 Kreml - đồ án được mệnh danh “Tên đồ tể mang máy bay” vì trang bị vũ khí hạng nặng của lớp tàu này
Con tàu này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 43.000 tấn, lớn nhất là 61.390 tấn, chiều dài 305 m, bề ngang 72 m, mớn nước 10 m.
Tàu mang theo thủy thủ đoàn 1.690 người bao gồm thủy thủ và phi công.
Tàu được trang bị 8 động cơ nồi hơi và 4 động cơ turbin khí có tổng công suất khoảng 280.000 mã lực.
Với hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa tới 30 hải lý/giờ và tầm hoạt động đạt 15.700 km với tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ.
Sân bay trên tàu thiết kế với boong phóng kiểu nhảy cầu, không cần máy phóng thủy lực.
Khu vực boong tàu có diện tích 14.700 m2, được trang bị hai thang máy đẩy giúp nâng máy bay từ khoang chứa máy bay lên boong tàu.
Tàu sân bay Kuznetsov không sử dụng hệ thống máy phóng máy bay như các tàu phương Tây mà hoạt động dựa trên một đường dốc có góc nghiêng 12 độ ở phía cuối boong tàu để tạo đà cho máy bay cất cánh.
Hàng không mẫu hạm này có thể chở tổng cộng 41-52 chiếc máy bay gồm: Tối đa 14 tiêm kích hạm Su-33; 4 chiếc máy bay huấn luyện phản lực Sukhoi Su-25UTG/UBP; 24 trực thăng phục vụ cho nhiệm vụ săn ngầm, tìm kiếm cứu nạn bao gồm: 4 trực thăng Ka-27LD32, 18 trực thăng Ka-27PLO và 2 trực thăng Ka-27S.
Hiện nay Nga đang biên chế tiêm kích hạm mới MiG-29K song song với Su-33, dự kiến trong tương lại loại tiêm kích hạm mới sẽ thay thế hoàn toàn Su-33.
Không như các tàu sân bay khác của phương Tây vốn luôn cần một đội tàu hộ tống, tàu Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác.
Có được điều này là do chúng được trang bị hệ thống vũ khí riêng đồ sộ, xứng đáng là một tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng.
Đô đốc Kuznetsov được vũ trang 12 ống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa chống hạm P-700 Granit tầm bắn 625 km.
Ngoài tên lửa chống tàu, Đô đốc Kuznetsov còn trang bị hỏa lực phòng không dày đặc gồm: 8 bệ pháo phòng không bắn nhanh AK-630; 8 bệ pháo – tên lửa phòng không Kashtan, 18 tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal.
Đặc biệt, Kuznetsov còn có khả năng chống tàu ngầm với bệ phóng rocket săn tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1.
Với hệ thống vũ khí trên, nó có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác thay vì cần một đội tàu hộ tống.
Để cảnh giới trên không, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sử dụng radar băng tần D/E, radar tìm kiếm mục tiêu bề mặt băng tần F, chỉ huy bay băng tần G/H, dẫn đường băng tần I và dẫn bắn cho các tổ hợp vũ khí phòng không tầm cực ngắn (CIWS) là 4 radar băng tần K.
Ngoài ra, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov còn được trang bị trang bị sonar thủy âm gắn cố định trên thân và thiết bị tìm kiếm hạ âm để phát hiện và tấn công các mục tiêu dưới nước.
Khi thực chiến lần đầu tiên vào năm 2016, nhiều nhược điểm bộc lộ rõ của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov khi tham gia hoạt động quân sự tại Syria.
Do các vấn đề với trang thiết bị, hạm đội đã mất 2 tiêm kích trong tình huống chưa bị đối phương giáng trả, sau đó quá trình hiện đại hóa diễn ra.
Hệ thống điện tử và động lực của tàu hoạt động không như mong đợi, con tàu khổng lồ này không thể ra khơi mà không có tàu cứu kéo đi cùng.
Cuối cùng Nga đã phải đưa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov về bến cảng để đại tu.
Tuy vậy quá trình đại tu cũng liên tục gặp sự cố nghiêm trọng.
Trong quá trình sửa chữa, một cần trục khổng lồ đã rơi xuống làm thủng sàn tàu sân bay Điều này xảy ra do sự cố chìm ụ nổi siêu trường siêu trọng PD-50 tại nhà máy sửa chữa. Việc vá lại thân tàu tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ.
Sự cố tiếp theo xảy ra vào năm 2019 do một đám cháy bắt nguồn từ các mảnh vỡ có dầu trên boong trong quá trình hàn. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong, 14 người khác bị bỏng và nhiễm độc khói.
Vì tất cả những điều này, tạp chí National Interest của Mỹ đã đặt tên cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là "Con tàu đen đủi nhất của Hải quân Nga".
Nhưng bất chấp điều đó, Bộ tư lệnh Hải quân Nga không có ý định loại bỏ hàng không mẫu hạm duy nhất của mình mà sẽ hiện đại hóa và sẽ sớm đưa nó trở lại hoạt động.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn