Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ

Thứ hai - 06/05/2024 17:30
 

Kịp thời phát hiện, cảnh báo những điểm cần khắc phục

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có bài viết chúc mừng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong đó khẳng định những đóng góp của KTNN đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Theo NHNN, ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung đứng trước yêu cầu phải đổi mới để bắt kịp sự phát triển chung của thế giới. Song hành với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đưa ra những tư vấn có giá trị và kịp thời giúp NHNN điều hành hoạt động một cách có hiệu quả, thực chất, đáp ứng được yêu cầu đối mới của đất nước. Điều này được thể hiện ở nhiều góc độ.

Trong đó, qua kiểm toán báo cáo tài chính, KTNN đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao hoạt động của các đơn vị thuộc NHNN. Hoạt động kiểm toán của KTNN không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của NHNN trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định nền kinh tế. Đồng thời, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Trong đó, các nhóm kiến nghị chủ yếu đã được KTNN đưa ra, như: kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại NHNN và các đơn vị trực thuộc NHNN.

KTNN đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng (Ảnh minh họa: vneconomy.vn)

Các kiến nghị của KTNN đã giúp NHNN kịp thời chấn chỉnh hoạt động, rút ra các bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện được tốt hơn, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với sự phát triển, tiến bộ. Trong đó, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả tất cả các kiến nghị về: xử lý tài chính, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giảm cấp phát thanh toán, hoàn thiện thủ tục quyết toán đối với các dự án xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách.

Bên cạnh đó, KTNN đã kịp thời phát hiện, cảnh báo những điểm cần khắc phục về chính sách và hoạt động điều hành của NHNN: Trong những năm qua, KTNN đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của NHNN, như: công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN, công tác xử lý nợ tồn đọng..., thực hiện kiểm toán các chuyên đề, như: Chuyên đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCDT), chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phòng chống dịch COVID-19, kiếm toán hệ thống/dự án công nghệ thông tin. Qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại NHNN và các đơn vị được kiểm toán. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổnng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra; đảm bảo cho NHNN và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thông qua công tác kiểm toán hằng năm, KTNN đã giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Các đánh giá, kiến nghị của KTNN đã hỗ trợ NHNN trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Hiện nay, trong công tác kiểm toán hoạt động của NHNN, việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều kiện, tâm lý thị trường là hết sức cần thiết để có những đánh giá khách quan về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát với hệ thống các tổ chức tín dụng

NHNN cũng khẳng định, kết quả kiểm toán cũng đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát, cấp phép đối với hệ thống các TCTD. Theo đó, trong những năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với công tác thanh tra, giám sát, cấp phép, xử lý ngân hàng yếu kém và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sơ các nhận định, kiến nghị của KTNN, NHNN đã tiếp tục: Chú trọng tập trung nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực và sai phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các rủi ro, sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng; tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống. Trên cơ sở kết quả giám sát, đề xuất xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hằng năm/đột xuất đối với các TCTD này. Cùng với đó, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN đã đạt được một số kết quả tích cực. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm, niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hệ thống các TCTD được củng cố; mạng lưới phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển nhanh, phủ rộng khắp các địa phương trên toàn quốc. Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: Hoạt động kiểm toán của KTNN giúp các tổ chức tín dụng xác định xem các chi phí vận hành nội bộ đã hợp lý chưa. Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, những đánh giá của KTNN về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các TCTD tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp.

Cũng thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ của NHNN. Thực hiện những kiến nghị của KTNN, NHNN đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ (KTNB), ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý để khẳng định vai trò giúp phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. Do đó, hiệu quả hoạt động kiếm soát nội bộ, KTNB của NHNN ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo cho các đơn vị trong hệ thống NHNN hoạt động đúng hành lang pháp luật, an toàn và hiệu quả.

Dấu mốc không thể không nói đến là sự phối hợp công tác nhịp nhàng giữa hai đơn vị đầu mối thuộc hai cơ quan. Trong đó, KTNN chuyên ngành VII và Vụ KTNB của NHNN đã tích cực trao đổi thông tin, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo hai đơn vị để xây dựng, thiết lập mối quan hệ, tăng cường hợp tác mạnh mẽ, có chiều sâu, giúp hoạt động kiểm toán của KTNN cũng như hoạt động điều hành của NHNN được thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, trên cơ sở các tư vấn và khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Vụ KTNB đã triển khai nghiên cứu và từng bước chuyển đổi hoạt động KTNB theo phương thức kiểm toán trên cơ sở rủi ro. Trong quá trình đó, việc hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ KTNN là rất cần thiết. Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm kiểm toán của các tổ chức kiểm toán quốc tế có thâm niên hằng trăm năm hoạt động để phát huy lợi thế của đơn vị đi sau. Do đó, khi hợp tác với KTNN, KTNB sẽ có cơ hội học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu; đồng thời, tạo điều kiện cho KTNB mở rộng mối quan hệ với các tổ chức kiểm toán bên ngoài.

Thông qua việc tiếp cận, khai thác, phân tích các kết quả kiểm toán của KTNN, KTNB có thể học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm thực hành kiểm toán, phương pháp, kỹ thuật, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của các kiểm toán viên KTNN. Bên cạnh đó, việc phối hợp với KTNN trong công tác lập kế hoạch kiểm toán hằng năm giúp KTNB đảm bảo không thực hiện kiểm toán chồng chéo đối với các đơn vị thuộc NHNN; đồng thời, có thể rút ngắn được thời gian, nội dung, phạm vi kiểm toán đối với các đơn vị thuộc NHNN mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn hệ thống, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động KTNB NHNN.

NHNN với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm ổn định giá trị của đồng tiền; thực hiện cung tiền cho nền kinh tế, kiểm soát lãi suất và là người cho vay cuối cùng. Vì vậy, NHNN có một vai trò và vị trí vô cùng đặc biệt trong nền kinh tế của đất nước. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, NHNN cần đảm bảo tính độc lập, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tính độc lập cao đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình càng cao. Do đó, bên cạnh việc thiết lập và hoạt động hiệu quả của KTNB, kiểm toán bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm giải trình của NHNN, chứng nhận tính chính xác của báo cáo tài chính và tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát nội bộ. Với sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế trong nước với thế giới, để tăng cường phát huy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN mong muốn KTNN tăng cường kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm khẳng định vai trò, vị trí của NHNN, đảm bảo tính độc lập, minh bạch, tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ theo đúng các chuẩn mực quy định quốc tế.

Có thể nói, KTNN để lại những dấu ấn rõ nét, có vai trò quan trọng trong hoạt động của NHNN. Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng một cách tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

TG

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây