Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới

Thứ sáu - 26/04/2024 08:30
 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì tại Hội nghị. Cùng tham dự có đại diện các Bộ/ngành liên quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngàng hàng lúa gạo Việt Nam; đại diện UBND, Sở Công Thương các địa phương; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới được tổ chức nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; đồng thời, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Khung cảnh Hội nghị

Theo Bộ Công Thương, năm 2023 được đánh giá là năm “đại thành công” của ngành lúa gạo Việt Nam với sản lượng xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6 % về trị giá so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường chính như Philippines, Indonesia, Malaysia… đều tăng trưởng cao ở mức hai con số. Bình quân quý I năm nay, giá xuất khẩu đạt 654 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, trong quý 1/2024 cũng đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%).

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý 1/2024 tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023. Tương tự, tại thị trường trong nước mặc dù có sự điều chỉnh giảm trong những tháng đầu năm nhưng giá lúa gạo vẫn đang cao hơn 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024, Bộ Công Thương cho rằng, tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn, biến động và chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Để chuẩn bị cho những biến động sắp tới, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân tiếp tục nghiêm túc thực hiện duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu, chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các Bộ, ngành liên quan theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; chủ động phối hợp xây dựng liên kết vùng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, đảm bảo nguồn hàng ổn định, bền vững.

Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương và tại thị trường xuất khẩu; kịp thời báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ chia sẻ, đánh giá về (i) tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2023 và quý 1/2024 cũng như đề ra phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong năm 2024; (ii) tình hình sản xuất, thu hoạch vụ Đông - Xuân 2023/2024 và dự báo vụ Hè - Thu 2024; tình hình cân đối cung cầu, mức tồn kho, dự trữ lúa gạo phục vụ xuất khẩu năm 2024; (iii) tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ gạo của các thị trường khu vực châu Á - châu Phi và đề xuất giải pháp phát triển thị trường từ nay đến hết năm 2024; (iv) tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ gạo của các thị trường khu vực châu Âu - châu Mỹ và đề xuất giải pháp phát triển thị trường từ nay đến hết năm 2024 và (v) bối cảnh thương mại gạo toàn cầu, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống, trọng điểm đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2024.

Hội nghị cũng sẽ được nghe ý kiến tham luận của các Sở Công Thương địa phương về kết quả sản xuất, thu hoạch vụ Đông - Xuân 2023/2024, dự kiến sản lượng vụ Hè - Thu 2024; tình hình thu mua, diễn biến giá thóc, gạo và xuất, nhập khẩu gạo của doanh nghiệp trên địa bàn và ý kiến của một số thương nhân kinh doanh gạo về tình hình xuất khẩu gạo, những khó khăn vướng mắc trong kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị...

Huyền My

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây