Thầm lặng ê kíp gây mê hồi sức

Thứ năm - 25/04/2024 05:55
 

Đến trước, về sau

Một kíp gây mê thường gồm bác sĩ gây mê hồi sức, điều dưỡng gây mê và người phụ dụng cụ cho ca mổ tham gia các ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp với các chuyên khoa sản, xương khớp chỉnh hình, ngoại tổng hợp... Trước khi vào ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển xuống khu vực phòng mổ trước thời gian mổ dự kiến từ 30 - 60 phút để thực hiện các thủ tục bàn giao và các công tác chuẩn bị trước ca mổ. Thời điểm này, ê kíp y, bác sĩ gây mê kiểm tra, đánh giá lại tình trạng bệnh nhân trước gây mê, gây tê để phẫu thuật.

Đơn cử, với ca phẫu thuật nội soi đứt dây chằng chéo trước, theo kế hoạch đề ra, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiến hành gây tê tủy sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Quang cho biết: “Sau khi gây tê, ê kíp luôn luôn theo dõi sát bệnh nhân, phối hợp xử trí kịp thời các dấu hiệu biến động trong cuộc mổ đảm bảo bệnh nhân có cuộc mổ an toàn, điều chỉnh kịp thời”.

Ê kíp y, bác sĩ gây tê tủy sống chuẩn bị phẫu thuật nội soi.

Cùng khoa với bác sĩ Quang, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Yên chia sẻ, ê kíp y, bác sĩ gây mê là những người đầu tiên và sau cùng trong mỗi ca phẫu thuật. Một áp lực lớn nhất trong phẫu thuật là không may có sự cố xảy ra. Chẳng hạn, sự cố về sốc thuốc, bệnh nhân mất máu… Lúc này ê kíp phải bình tĩnh, xử trí nhanh về thuốc và huy động máu.

Hay nói cách khác, việc chuẩn bị cho ca phẫu thuật không chỉ dừng lại ở việc khám và thực hiện phương pháp gây mê, gây tê phù hợp cho bệnh nhân. Trong từng thao tác của bác sĩ phẫu thuật viên, phía sau bức màn xanh, ê kíp gây mê tiếp tục theo dõi sát tim mạch, hô hấp bệnh nhân và thực hiện các thao tác hỗ trợ, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với tiến độ phẫu thuật. Xong ca phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật viên rời khỏi phòng mổ, ê kíp y, bác sĩ gây mê tiếp tục tiếp nhận người bệnh và hồi sức. Song hành cùng công tác chuyên môn, đặc thù của ê kíp này được ví là “người đến trước, về sau”.

Vất vả nhưng hạnh phúc

Sau phẫu thuật, bệnh nhân chuyển sang phòng hồi sức để chăm sóc hậu phẫu. Trong giai đoạn này, các y, bác sĩ gây mê tiếp tục hồi sức, thực hiện giảm đau đa mô thức, theo dõi sức khỏe người bệnh, đưa về trạng thái cân bằng. Với tổng số nhân lực khoảng 60 người gồm bác sĩ và điều dưỡng, Khoa Gây mê hồi sức – Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận hoạt động hết công suất để đảm bảo phối hợp và hỗ hợ cấp cứu bệnh nhân liên khoa và bệnh nhân ngoại viện.

Bác sĩ Yên chia sẻ: “Những ngày bệnh nhân đông, mọi người đứng làm việc liên tục từ sáng tới chiều tối. Đến khi ngửa mặt chỉ nhìn đồng hồ, chứ không biết trời sáng tối và ai cũng cũng thấm mệt. Với y, bác sĩ nữ, sức khỏe không bằng các y, bác sĩ nam nên mệt hơn nhiều”.

Theo chị Trần Thanh Tố Nữ - Điều dưỡng trưởng Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, trước đây chị làm điều dưỡng đa khoa và được điều chuyển về làm điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức. Lúc đầu có nhiều cái mới, khó khăn trong công việc, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp đi trước, chị Nữ bắt nhịp được công việc. Khoa Gây mê hồi sức có đặc thù là có những ca mổ kéo dài 4 - 5 tiếng, có ca mổ cấp cứu phức tạp diễn ra trong đêm khuya kéo dài tới 6 -7 giờ sáng, thì ê kíp gây mê vẫn đồng hành cùng phẫu thuật viên suốt thời gian trên. Chị Nữ nói: “Mặc dù công việc có nhiều vất vả, nhưng ê kíp vẫn vui và cảm thấy hạnh phúc. Không biết dùng từ để diễn tả niềm vui sau mỗi ca phẫu thuật thành công, an toàn cho bệnh nhân”.

Có thể nói rằng, đôi khi tên tuổi của ê kíp y bác sĩ gây mê hồi sức không được biết đến, nhưng họ là những người âm thầm đóng góp công sức để ca phẫu thuật thành công. Họ làm việc không chỉ bằng nhiệm vụ, trách nhiệm mà bằng cả tình yêu thương với bệnh nhân.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây